Cuộc 'chuyển giao quyền lực' đằng sau khủng hoảng Kazakhstan

Bất ổn nhiều ngày qua phơi bày phần nào căng thẳng chính trị âm ỉ trong lòng Kazakhstan: Làm sụp đổ di sản của ông Nazarbayev và tạo cơ hội nắm thực quyền cho Tổng thống Tokayev.

Khi còn cầm quyền, cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã mạnh mẽ dẹp bỏ mọi thách thức đe dọa tới vai trò cai trị của ông. Lãnh đạo đất nước Trung Á suốt 3 thập niên, ông được coi là biểu tượng tôn thờ của người dân Kazakhstan, theo Guardian.

Khi từ chức tổng thống vào năm 2019, ông đã chọn một đồng minh thân cận làm người kế nhiệm, Kassym-Jomart Tokayev, và tiếp tục nắm quyền phía sau. Ông vẫn giữ danh hiệu chính thức là Elbasy - nghĩa là "người lãnh đạo của quốc gia".

Thủ đô Astana thậm chí còn được đổi tên thành Nursultan để vinh danh ông.

Vậy nhưng, cơn thịnh nộ trên đường phố Kazakhstan - một trong những quốc gia ổn định nhất thời hậu Xô Viết - đã cho thấy một tình huống khác. Những bức tượng của ông Nazarbayev vốn được coi là di sản nay bị nhiều người biểu tình phá bỏ. Thay vì hô “Elbasy”, mọi người giận dữ hét lên “Shal ket” (Lão già, cút đi).

Bất bình trước đói nghèo, bất bình đẳng và tham nhũng, phần lớn sự tức giận nhắm tới Nazarbayev, người bấy lâu nay không ai có thể “chạm vào”.

Trong khi đó, Tổng thống Tokayev - người chưa bao giờ có được thực quyền - đang cố gắng tạo khoảng cách với ông Nazarbayev. Washington Post cho rằng có một số dấu hiệu thể hiện sự chia rẽ giữa hai nhân vật quyền lực nhất Kazakhstan.

Từ nhà lãnh đạo đáng kính tới "cột thu" sự bất bình

Sinh năm 1940, ông Nazarbayev trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên sau khi Kazakhstan độc lập. Chính ông đã định hình hệ thống chính trị của Kazakhstan, tập trung quyền lực vào tay một tầng lớp nhỏ và giàu có.

Trong suốt những năm 1990, ông đã điều hành đất nước và tránh bạo lực đàn áp theo kiểu cực đoan giống như Uzbekistan và Turkmenistan, cũng như tinh thần phản cách mạng của Kyrgyzstan.

Ông thu hút sự ủng hộ bằng những lời hứa về sự ổn định và phúc lợi, ở một khu vực Trung Á đầy biến động và giáp với Afghanistan - khu vực rung chuyển bởi Hồi giáo cực đoan, căng thẳng sắc tộc và buôn bán ma túy.

Khi Liên Xô tan rã, ông đã vạch ra một lộ trình địa chính trị tinh tế cho Kazakhstan: Thân thiện với Nga, nhưng vẫn qua lại với giới lãnh đạo phương Tây.

Cựu tổng thống sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân mà Kazakhstan thừa hưởng từ Liên Xô để lấy lòng phương Tây. Sau đó, ông củng cố mối quan hệ bằng những hợp đồng kinh tế béo bở, cho phép các công ty dầu mỏ khổng lồ của Mỹ khai thác nguồn dự trữ dầu.

 Tác phẩm tạc hình Tổng thống Nazarbayev ở Almaty bị ném bùn trong cuộc bạo loạn. Ảnh: Reuters.

Tác phẩm tạc hình Tổng thống Nazarbayev ở Almaty bị ném bùn trong cuộc bạo loạn. Ảnh: Reuters.

Ông Nazarbayev nhấn mạnh với người dân rằng vốn nước ngoài là điều cần thiết để giải cứu ngành công nghiệp ốm yếu thời kỳ hậu Xô Viết. Nhiều người ghi công ông vì sự tăng trưởng kinh tế và tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ các nước láng giềng, ít nhất là trong hai thập niên đầu cầm quyền.

Năm 2010, ông nhận danh hiệu "Nhà lãnh đạo của quốc gia" sau khi quốc hội trao ông quyền miễn trừ truy tố và quyền hoạch định chính sách ngay cả khi đã nghỉ hưu.

“Theo nhiều cách, ông ấy đã có một sự khởi đầu tốt và phong cách không quá độc đoán”, William Courtney - cựu đại sứ Mỹ tại Kazakhstan - cho biết. “Tuy nhiên, theo thời gian, ông ấy ngày càng ít cải cách hơn, chuyên quyền hơn trong khi bất bình đẳng thu nhập trở thành một vấn đề quan trọng với người Kazakhstan”.

Qua nhiều cuộc bầu cử, ông Nazarbayev luôn giành được hơn 80% số phiếu bầu, ngay cả khi bất đồng chính kiến trong nước ngày càng tăng.

Năm 2001, cựu Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Mukhtar Ablyazov đã thành lập một đảng nhằm phá bỏ hệ thống chính trị tập trung duy nhất vào ông Nazarbayev.

Một năm sau đó, ông Ablyazov bị kết tội lạm dụng quyền lực khi còn là bộ trưởng và nhận án 6 năm tù. Áp lực quốc tế buộc cựu tổng thống trả tự do cho ông Ablyazov vào năm 2003.

Sau khi giá dầu giảm vào năm 2008, người dân bất bình trước túi tiền ngày càng phình to của ông Nazarbayev và gia đình. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở những năm tiếp theo, một vài trong số đó bị đàn áp dữ dội.

Luật sư, kế toán và cố vấn phương Tây đã giúp tầng lớp thượng lưu mới nổi ở Kazakhstan đầu tư tài sản vào các dinh thự ở London và biệt thự Thụy Sĩ. Con gái và cháu trai của ông được cho là sở hữu khối tài sản trị giá 80 triệu bảng Anh ở London. Ông Nazarbayev cũng mời một lượng lớn các kiến trúc sư phương Tây và nhà quy hoạch đô thị để xây dựng thủ đô mới.

Con gái lớn, Dariga, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan - vị trí quyền lực thứ hai trong nước - cho đến năm 2020. Một người con gái khác là Dinara cùng chồng đã tạo ra một trong những đế chế doanh nghiệp hùng mạnh nhất cả nước.

Sau khi chính thức trao quyền cho Tổng thống Tokayev vào năm 2019, ông Nazarbayev tiếp tục kiểm soát nền chính trị của Kazakhstan. Ông đã đảm nhận một loạt chức danh mang lại địa vị đặc quyền so với phần còn lại của tầng lớp chính trị.

Dưới thời của ông Tokayev, các chính sách của chính phủ vẫn giữ nguyên và mức sống của người Kazakhstan tiếp tục giảm.

Giờ đây, hình ảnh của cựu tổng thống trở thành “cột thu” sự bất bình. Một vài tin đồn cho rằng ông có thể rời đất nước để “điều trị y tế”.

 Cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev (phải) và người kế nhiệm Kassym-Jomart Tokayev. Ảnh: Reuters.

Cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev (phải) và người kế nhiệm Kassym-Jomart Tokayev. Ảnh: Reuters.

"Tokayev đã kết thúc kỷ nguyên Nazarbayev"

Guardian nhận định hiện vẫn chưa rõ tình hình bất ổn tại Kazakhstan sẽ diễn biến ra sao, và ông Nazarbayev sẽ đóng vai trò gì. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình vừa qua chắc chắn làm sụp đổ di sản lịch sử mà ông tưởng đã êm ấm sau khi từ chức.

Trong lúc đó, ông Tokayev - người được coi là sự thay thế “tạm thời” cho ông Nazarbayev khi quyền lực chủ yếu nằm trong tay cựu lãnh đạo 81 tuổi - đã có nhiều động thái khác lạ. Tờ Welt của Đức nhận định Kazakhstan trước đó về cơ bản luôn có hai trung tâm quyền lực. Ông Tokayev vốn được biết đến là người hay trì hoãn cải cách quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu từ người bảo trợ chính trị phía sau.

Thế nhưng, từ người vốn điềm tĩnh, tổng thống hôm 7/1 đã cho phép quân đội “bắn mà không cần báo” vào bất cứ ai có biểu hiện bạo lực. Ông cũng đảo ngược chính sách đối ngoại độc lập - một trong những thành tựu được đánh giá cao của ông Nazarbayev - khi nhờ liên minh quân sự do Nga dẫn đầu đổ bộ vào Kazakhstan.

Tình trạng bất ổn chưa từng có hiện tạo ra hệ thống mới với Tổng thống Tokayev là trung tâm. Nhà cựu ngoại giao về cơ bản đã tiến hành một “cuộc cách mạng” cùng lúc với cuộc biểu tình bằng cách phá hủy phần lớn cơ sở quyền lực của ông Nazarbayev.

Ngày 5/1, Tổng thống Tokayev gạch tên ông Nazarbayev khỏi ghế chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia. Financial Times cho rằng dù lên nắm quyền từ năm 2019, ông Tokayev mới chỉ thực sự làm tổng thống khi ngồi vào chức vụ này.

Tổng thống Tokayev cũng loại bỏ các đồng minh quan trọng của ông Nazarbayev ra khỏi chính quyền, bao gồm bắt giữ Karim Massimov - giám đốc cơ quan an ninh nội địa (KNB) kiêm cựu thủ tướng dưới thời ông Nazarbayev - vì tình nghi phản quốc.

Trước đó, ông cũng thẳng tay cách chức các bộ trưởng trong nội các - do chính ông Nazarbayev lựa chọn - và cho rằng họ là nguồn cơn của tình trạng bất ổn.

 Tổng thống Tokayev cho phép quân đội bắn mà không cần báo người bạo loạn. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Tokayev cho phép quân đội bắn mà không cần báo người bạo loạn. Ảnh: Reuters.

Financial Times cho rằng Tổng thống Tokayev chưa bao giờ là một người đơn giản.

“Chúng tôi chưa bao giờ hình dung ông ấy là thủ tướng, chứ chưa nói gì đến tổng thống”, Victor Khrapunov - cựu thị trưởng Almaty, người từng làm việc với ông Tokayev - nói.

Hình ảnh bóng bẩy của ông - kỹ trị tài ba, giáo dục tốt, không xuất thân từ tầng lớp lao động - không thu hút công chúng một cách hiệu quả như Nazarbayev - người từng là công nhân nhà máy.

Tuy nhiên, ông Tokayev lại trái ngược với người tiền nhiệm theo một cách khác, và thuận lợi hơn nhiều: Ông không tham gia vào lĩnh vực kinh doanh.

Điều đó có thể giúp ông giành được niềm tin của công chúng khi người dân ngày càng thất vọng bởi chất lượng cuộc sống đi xuống, nhưng gia đình ông Nazarbayev lại trở thành tỷ phú.

“Tất cả chính trị gia cấp cao đều có lợi ích trong kinh doanh, nhưng ông ấy thì không. Ông ấy không dính líu tới vụ bê bối tham nhũng nào”, Livia Paggi - người nghiên cứu về rủi ro chính trị tại London - cho biết.

Điều này hiện trở nên đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế Kazakhstan vẫn nằm trong tay những người trung thành với ông Nazarbayev. Những người con rể của cựu lãnh đạo đều có tầm ảnh hưởng trong ngành dầu khí. Nếu như ông Tokayev có thể thay đổi nền chính trị hiện tại, tổng thống sẽ cần dành cả thập niên để chiến đấu với nhóm người này bằng cách trừng phạt hoặc thương lượng để họ rời bỏ vị trí.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, ông Tokayev không thực hiện cải cách cơ cấu lớn mà tập trung vào những vấn đề như luật cạnh tranh và ràng buộc chuỗi cung ứng trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực mà ông cho rằng sẽ giải quyết lạm phát và giá lương thực cao - điều mà người dân đang bất bình.

“Những người hoài nghi sẽ nói rằng ông ấy tập trung vào các biện pháp về khoa học kỹ thuật do không được phép làm điều gì khác. Tuy nhiên, ông ấy tin rằng điều này sẽ hợp pháp hóa khả năng lãnh đạo của mình nếu như Tokayev có thể cải thiện điều kiện kinh tế của người dân”, Ben Godwin, Phó giám đốc công ty tư vấn Prism, cho biết.

Theo phân tích từ tổ chức nghiên cứu chính sách Carnegie Moskva Centre, chỉ trong vài ngày, ông Tokayev đã kết thúc kỷ nguyên Nazarbayev. Có lẽ, Tổng thống Tokayev là người giành được nhiều lợi ích nhất từ cuộc khủng hoảng này.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chuyen-giao-quyen-luc-dang-sau-khung-hoang-kazakhstan-post1289005.html