Cuộc chiến kiểm soát xuất khẩu công nghệ

Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung sẽ tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác của Trung Quốc nhằm bịt kín những lỗ hổng mà các quốc gia này cho rằng Trung Quốc đang tận dụng tối đa.

Bịt kín lỗ hổng?

Đầu tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với máy tính lượng tử và các công nghệ bổ trợ, công nghệ bóng bán dẫn tiên tiến, thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến và công nghệ sản xuất đắp lớp sang Trung Quốc và các quốc gia đối thủ. Bộ Thương mại Mỹ cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới phù hợp với quy định của Mỹ và các nước cùng chí hướng. Mỹ dự đoán sẽ có thêm nhiều quốc gia phương Tây làm theo họ.

Biện pháp hạn chế mới đòi hỏi ASML phải xin giấy phép xuất khẩu từ Chính phủ Hà Lan.

Biện pháp hạn chế mới đòi hỏi ASML phải xin giấy phép xuất khẩu từ Chính phủ Hà Lan.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại thương và hợp tác phát triển Hà Lan thông báo sẽ mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn, theo đó đòi hỏi công ty cung cấp thiết bị quang khắc ASML của Hà Lan - nắm độc quyền toàn cầu về một vài trong số những máy móc tiên tiến nhất - phải xin giấy phép xuất khẩu từ Chính phủ Hà Lan, chứ không phải từ Chính phủ Mỹ. Thông báo của Chính phủ Hà Lan được đưa ra sau báo cáo của Bloomberg cho biết giấy phép cung cấp và bảo dưỡng phụ tùng cho máy quang khắc tiên tiến của ASML ở Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không được gia hạn sau khi hết hạn vào cuối năm 2024.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ được áp dụng đối với các thiết bị được sử dụng để sản xuất công nghệ bóng bán dẫn hiệu ứng trường có cổng bọc toàn bộ kênh (GAA). Công nghệ này là một cấu trúc bóng bán dẫn tiên tiến trên chip được các công ty sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng cho chip thế hệ tiếp theo, vượt xa bóng bán dẫn hiệu ứng trường hình vảy (FinFET) được sử dụng trong các chip tiên tiến suốt thập kỷ qua. Những biện pháp này được xây dựng dựa trên các biện pháp hạn chế sẵn có của Mỹ đối với xuất khẩu công nghệ FinFET cho các chủ thể Trung Quốc, mà có thể được sử dụng trong chế tạo chip logic tiên tiến.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cũng bao gồm yêu cầu cấp giấy phép cho việc xuất khẩu - chẳng hạn như chia sẻ công nghệ được kiểm soát với một người nước ngoài trên lãnh thổ Mỹ - công nghệ lượng tử và phần mềm, mà sẽ tạo nên một môi trường phức tạp và đề cao sự tuân thủ cho các nhà nghiên cứu làm việc với công dân Trung Quốc ở Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển máy tính lượng tử.

Máy quang khắc cực tím sâu (DUV) TWINSCAN NXT:1970i và 1980i nằm trong diện áp dụng biện pháp hạn chế.

Máy quang khắc cực tím sâu (DUV) TWINSCAN NXT:1970i và 1980i nằm trong diện áp dụng biện pháp hạn chế.

Các biện pháp hạn chế mới của Hà Lan sẽ đòi hỏi ASML phải xin giấy phép xuất khẩu từ Chính phủ Hà Lan, chứ không phải từ Chính phủ Mỹ, đối với máy quang khắc cực tím sâu (DUV) TWINSCAN NXT:1970i và 1980i. Các máy quang khắc DUV tiên tiến hơn của ASML phải được Chính phủ Hà Lan phê chuẩn, tương tự các máy quang khắc siêu cực tím (EUV). Phản hồi thông báo của Chính phủ Hà Lan, ASML gọi các yêu cầu mới là “thay đổi kỹ thuật” và dự đoán sẽ không có bất kỳ tác động nào đối với triển vọng tài chính trong năm nay hay các kịch bản dài hạn của công ty. Mặc dù không liên quan đến các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhưng chính quyền Tổng thống Biden cũng có thể công bố quy định mới hạn chế việc sử dụng phần mềm và các công nghệ liên quan khác của Trung Quốc trong xe kết nối ở Mỹ.

Huy động mọi nguồn lực

Các biện pháp hạn chế mới được thiết kế nhằm bịt kín các lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có mà Trung Quốc đang lợi dụng để phát triển các dòng chip tiên tiến hơn, cũng như nhằm hạn chế năng lực của Trung Quốc trong việc duy trì vị trí tiên phong trong lĩnh vực máy tính lượng tử và công nghệ sản xuất đắp lớp kim loại. Kể từ khi Mỹ lần đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ chế tạo chip sang Trung Quốc vào tháng 10/2022, chính quyền Tổng thống Biden thường xuyên cập nhật các biện pháp này nhằm bịt kín các lỗ hổng và ngăn Trung Quốc lách các biện pháp hạn chế đối với khả năng chế tạo chip tiên tiến.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây đang tác động đáng kể đến năng lực chế tạo chip tiên tiến của Trung Quốc.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây đang tác động đáng kể đến năng lực chế tạo chip tiên tiến của Trung Quốc.

Về mặt chính thức, Mỹ và các đồng minh đang hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc nhằm ngăn quân đội và bộ máy tình báo Trung Quốc sở hữu thiết bị bán dẫn tiên tiến giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa quân đội Trung Quốc với quân đội Mỹ và đồng minh. Thế nhưng, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây cũng coi các biện pháp xuất khẩu như một phương pháp để đảm bảo các công ty không phải của Trung Quốc chiếm lĩnh mảng thương mại của chip tiên tiến, qua đó bảo vệ họ khỏi cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc đã có tiến triển trong việc chế tạo dòng chip tiên tiến hơn, sử dụng máy quang khắc DUV ít tinh vi hơn để chế tạo dòng chip vượt trội so với các dòng chip do các công ty không phải của Trung Quốc sản xuất - lý do chính khiến Mỹ gây sức ép buộc Chính phủ Hà Lan phải áp đặt thêm nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu hơn đối với máy quang khắc DUV 1970i và 1980i của ASML và ngừng hỗ trợ bảo trì các máy này ở Trung Quốc. Bằng cách nhắm mục tiêu vào công nghệ bóng bán dẫn hiệu ứng trường GAT, Mỹ cũng hy vọng có thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không thể vượt lên trước và chế tạo các chip tiên tiến sử dụng cấu trúc bóng bán dẫn mới hơn. Mỹ từ lâu đã lên kế hoạch cho việc áp đặt các biện pháp hạn chế đối với công nghệ máy tính lượng tử có khả năng được sử dụng cho mục đích quân sự hay tình báo, bao gồm vũ khí, mô phỏng không gian và bẻ khóa các công nghệ mã hóa hiện có.

Tác động lâu dài

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây đang tác động đáng kể đến năng lực chế tạo chip tiên tiến của Trung Quốc. Mặc dù tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế SMIC đã có thể chế tạo chip cho Huawei trên tiến trình 5 nm và 7 nm với các máy quang khắc cũ hơn, nhưng tỷ lệ năng suất được ghi nhận lần lượt ở mức khoảng 50% và 30% đến 40%, so với tỷ lệ cao hơn khoảng 40 điểm phần trăm đối với chip tiên tiến của TSMC. Điều này khiến quá trình chế tạo chip tốn kém và mất nhiều thời gian, do đó hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc cung ứng quy mô lớn để sử dụng trong quân đội và thương mại. Việc thiếu máy móc hiện đại hơn khiến SMIC khó có khả năng theo kịp các tiến trình tiên tiến 5 nm hiện tại trên quy mô lớn. Tháng 5 vừa qua, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn (SIA) ước tính Trung Quốc sẽ chỉ chế tạo được khoảng 2% số chip tiên tiến dưới cấp độ đỉnh 10 nm trên thế giới vào năm 2032.

Sự thuận chiều của chính phủ Hà Lan trước sức ép của Mỹ cho thấy liên kết ngày càng chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương trong việc kiểm soát xuất khẩu.

Sự thuận chiều của chính phủ Hà Lan trước sức ép của Mỹ cho thấy liên kết ngày càng chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương trong việc kiểm soát xuất khẩu.

Mặc dù công nghệ máy tính lượng tử vẫn còn nhiều năm nữa mới được áp dụng rộng rãi, nhưng Mỹ hy vọng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của mình sẽ khiến Trung Quốc phát triển chậm hơn so với phần còn lại của thế giới. Mặc dù công nghệ sản xuất đắp lớp chưa cách mạng hóa hoàn toàn chuỗi cung ứng, nhưng nó đang ngày càng trở nên quan trọng đối với lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng, giúp sản xuất động cơ, tên lửa và các thành phần khác với chi phí thấp hơn. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đặc biệt nhắm mục tiêu vào công nghệ sản xuất đắp lớp có thể sản xuất các thành phần kim loại hoặc hợp kim, vốn thường được sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng và công nghiệp nặng.

Sự thuận chiều của Chính phủ Hà Lan trước sức ép của Mỹ cho thấy sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương trong việc đáp ứng nhu cầu kiểm soát xuất khẩu một cách mạnh mẽ đối với Trung Quốc, nhưng sự hợp tác này có thể bị đe dọa nếu quan hệ giữa Washington và các chính phủ châu Âu suy yếu đi. Chính quyền Tổng thống Biden đã đẩy mạnh thuyết phục các quốc gia châu Á và châu Âu, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc, áp đặt các biện pháp hạn chế bổ sung đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Nhật Bản cũng đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với các nguyên liệu và thiết bị cần thiết cho quá trình chế tạo chip tiên tiến. Mỹ đã đạt được một số thành công nhất định trong việc liên kết với các nước này trong việc kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn và công nghệ máy tính lượng tử, cũng như áp đặt các biện pháp hạn chế sử dụng thiết bị 5G của Trung Quốc.

Ngáng trở

Đối với Mỹ, hợp tác đa phương là biện pháp cần thiết để làm chậm quá trình Trung Quốc khai phá các lỗ hổng mới cùng các công ty phương Tây vẫn đang cố gắng xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc, đồng thời nhanh chóng bịt kín các lỗ hổng hiện có. Ngoài ra, hợp tác đa phương mang lại cho Mỹ một đòn bẩy ngoại giao mạnh mẽ hơn, cho phép nước này khẳng định rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không phải là ý chí riêng của Mỹ, mà còn được cộng đồng quốc tế ủng hộ và phản ánh sự đồng thuận rộng rãi hơn về những rủi ro mà Trung Quốc mang lại.

Chỉ có điều, nếu Phó Tổng thống Kamala Harris thắng cử thì hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong việc hạn chế công nghệ có thể sẽ tiếp tục được duy trì mà hầu như không có sự thay đổi nào sau khi bà nhậm chức. Trái lại, việc ông Trump tái đắc cử có thể khiến quan hệ của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu trở nên tồi tệ trong nhiều vấn đề, như khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - EU, giảm cam kết của Mỹ đối với các nghĩa vụ của NATO và giảm hỗ trợ cho Ukraine. Đối với hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu, những vấn đề này quan trọng hơn nhiều so với việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc như một bên ngang tầm về quân sự, vì Trung Quốc không phải là mối đe dọa chiến lược đối với châu Âu - một nhóm quốc gia Đại Tây Dương - giống như Mỹ - một quốc gia Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Điều này có nghĩa là hợp tác châu Âu về kiểm soát xuất khẩu nhiều khả năng sẽ trở thành nạn nhân của những thay đổi trong quan hệ Mỹ - châu Âu.

Một mối quan hệ nghèo nàn giữa Chính phủ Mỹ và các chính phủ châu Âu sẽ dẫn đến việc các chính phủ này không làm theo, buộc chính quyền Mỹ khi ấy phải sử dụng Quy tắc về sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR) một cách hung hăng hơn. Điều này sẽ buộc Mỹ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty châu Âu nếu sản phẩm của họ có sử dụng công nghệ của Mỹ. Việc sử dụng FDPR có thể là một cách thô bạo để cắt đứt xuất khẩu công nghệ châu Âu sang Trung Quốc, cũng như tạo thêm một vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng, làm suy yếu sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/cuoc-chien-kiem-soat-xuat-khau-cong-nghe-i745618/