Cùng học giả An Chi, một bài phỏng vấn chưa đăng

Học giả An Chi để lại gia tài chữ nghĩa đáng kể với 'Chuyện Đông chuyện Tây', 'Rong chơi miền chữ nghĩa'... Nhưng vẫn còn những đề tài ấp ủ ông chưa kịp thực hiện.

Chiều 12/10, học giả An Chi đã dừng cuộc rong chơi chữ nghĩa ở nhân gian để về cõi khác.

Ba năm trước, khi Chuyện Đông chuyện Tây được đề cử Giải thưởng Sách quốc gia, Zing đã đề nghị biên tập viên bộ sách thực hiện bài viết về tác phẩm và học giả An Chi. Ông Trần Đình Ba, biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, đã có cuộc trò chuyện tại tư gia của học giả An Chi. Bài viết về bộ sách đã được đăng tải năm 2019. Nay chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện, để độc giả hiểu thêm về một nhân cách, kho tri thức bách khoa đáng trân trọng.

'Rong chơi miền chữ nghĩa' không kém gì 'Chuyện Đông chuyện Tây'

- Độc giả quen thuộc với An Chi qua mục "Chuyện Đông chuyện Tây" trên tạp chí Kiến thức ngày nay. Ngoài ra, ông còn giữ mục chữ nghĩa nào khác trên các báo cộng tác?

- An Chi giữ mục chữ nghĩa cho nhiều báo, tạp chí. Có thể kể ra các mục trên những báo cộng tác có mục "Chuyện Đông chuyện Tây" của tạp chí Kiến thức ngày nay; mục "Từ chữ đến nghĩa" của báo Người đương thời; mục "Những điều có thể bạn chưa biết" (sau đổi là "Có thể bạn chưa biết") của báo Năng lượng mới; mục "Rong chơi miền chữ nghĩa" trên báo Người đô thị; mục "Chuyện chữ chuyện nghĩa" trên tờ tạp chí Đại học quốc gia TP.HCM; mục "Lắt léo chữ nghĩa" của báo Thanh niên...

Ngoài ra còn có những bài không thường xuyên trên một số tờ báo, tạp chí An ninh thế giới, Văn hóa Phật giáo, Giác ngộ, Pháp luật TP.HCM...

- Bản thân tôi ấn tượng với học giả An Chi nhất là ở mục "Chuyện Đông chuyện Tây". Còn tác giả thì nghĩ sao?

- Những đứa con tinh thần mình đẻ ra thì mình đều trân trọng cả. Nhưng đúng thật ra thì nói về cá biệt từng bài, cũng có bài mình tâm đắc, có bài mình thấy cũng... thường thôi. Đó là nói riêng từng bài. Còn nói chung thì theo tôi, về chất lượng và sự thích thú riêng của tác giả, có lẽ là "Rong chơi miền chữ nghĩa" cũng không thua kém gì "Chuyện Đông chuyện Tây" đâu.

Do là bạn đọc ấn tượng với mục "Chuyện Đông chuyện Tây" đã gắn với tên tuổi của tác giả, và cũng là một dấu ấn đáng nhớ của tờ Kiến thức ngày nay. Có một thời gian, dù là ngắn thôi, nhưng số lượng bản in của Kiến thức ngày nay lên tới 140.000 bản mỗi số, được phát hành ra tới ngoài Bắc luôn, đó là con số phát hành rất lớn với một tờ tạp chí.

Bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây qua các lần in. Ảnh: Trần Đình Ba.

- Mảng chủ đề mà ông chú ý nhiều nhất có phải là "Truyện Kiều" và từ nguyên?

- Mối quan tâm từ nguyên là hoàn toàn chính xác. Còn Truyện Kiều, sự thật nó không phải là sở thích, càng không phải sở nguyện. Sở nguyện của tôi là về từ nguyên thôi. Nhưng vì hồi giữ mục "Chuyện Đông chuyện Tây" trong số các câu hỏi gửi về, lọc ra thì độc giả hỏi về Truyện Kiều rất nhiều. Bản thân tôi cũng yêu quý Truyện Kiều, thành ra đối với một số câu hỏi hợp với hiểu biết của mình, mình tìm hiểu để trả lời. Không ngờ trong nhiều câu trả lời trên mục "Chuyện Đông chuyện Tây" lại có kha khá những câu nhấn vào đề tài Truyện Kiều. Cũng vì thế tôi mới tập hợp lại để làm thành tác phẩm Câu chữ Truyện Kiều.

Còn từ nguyên, hồi nhỏ tôi học trường Tây, nhưng thích tìm hiểu tiếng Việt. Cuốn sách đầu tiên gây ấn tượng mạnh cho tôi về ngôn ngữ là quyển sách mỏng thôi, Chánh tả Việt ngữ (Việt ngữ chánh tả tự vị) của ông Lê Ngọc Trụ. Tôi đọc thích lắm, rồi nó ghi trong đầu óc mình. Từ đó về sau tôi thích tìm hiểu về chữ nghĩa, nên tôi mới nói ông Lê Ngọc Trụ "là người ơn tinh thần của tôi". Người gây ấn tượng mạnh để tôi đi tới từ nguyên, chính là ông Lê Ngọc Trụ.

- Dù là giải đáp về từ nguyên, nhưng ngoài gốc từ, tác giả còn liên hệ những kiến thức về văn hóa, xã hội, văn học... Đó có phải là cách tiếp cận từ nguyên "dễ thấm" theo chủ ý học giả An Chi?

- Thực ra, bản thân tôi không nghĩ đến nghệ thuật tiếp cận độc giả như thế. Tôi thấy đó là chuyện tự nhiên thôi. Từ nguyên phải nói là nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trên đời. Bởi tiếng nói của dân tộc thì đâu có loại trừ lĩnh vực nào. Thế nên, khi chợ sách Đặng Thị Nhu còn, Ba thấy đó (chỉ lên tủ sách phía sau bàn làm việc), tôi mua cả mấy trăm cuốn sách tiếng Pháp đủ mọi lĩnh vực từ màu sắc tới thức ăn, sức khỏe, chụp ảnh, nhất là về văn chương phương Tây, ngữ pháp Đức, Anh cổ... vì mình thấy nó liên quan tới nhiều thứ trên đời lắm. Có những cuốn cho tới bây giờ vẫn chưa đụng tới vì chưa có nhu cầu tìm hiểu.

Hồi đi học, sách tôi giữ kỹ lắm. Thế mà cuốn Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh, bản 1974) dùng nhiều đã gãy góc rồi. Cuốn này tôi mua khi làm thủ thư.

Bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa và tác phẩm Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm của nhà nghiên cứu An Chi. Ảnh: Trần Đình Ba.

Những dự định còn dở dang

- Tác phẩm "Truyện Kiều" bản Duy Minh Trị 1872 so với những tác phẩm trước đó có gì khác biệt không, thưa ông?

- Về nội dung, sự khác biệt theo tôi nghĩ là ở chỗ người phiên âm, chú giải lựa chọn bản bị người ta chê nhiều nhất. Mà hai người chê và viết thành sách là Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Quảng Tuân.

Tôi có nói trong Lời nói đầu, quyển của tôi ra mắt, sẽ làm đối trọng với hai quyển của Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Quảng Tuân. Hai vị tiền bối vì không biết ngữ âm miền Nam, chữ Nôm miền Nam, nên phiên trật một số chỗ rất quan trọng. Đối trọng nhiều nhất bản của tôi so với hai vị, là nằm ở hai chỗ: chú giải và phiên âm.

- Sau khi cuốn "Từ nguyên" đã được xuất bản, ông có tiếp tục nghiên cứu chủ đề này?

- Nói thật, hồi tôi làm cuốn Từ nguyên, là cách đây khoảng trên 10 năm. Nhưng vì lúc đó do đứt duyên với công ty làm sách, nên dù nội dung đã xong, bìa đã được thiết kế mà tác phẩm lại không ra đời vào thời điểm đó.

Hồi đó tôi tính làm Từ nguyên chỉ một tập, tới khi cộng tác với Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, tôi đem bản thảo cũ sửa chữa để in. Khi biên tập viên Hồ Công Hoài Dũng biên tập bản thảo Từ nguyên, tôi mới nghĩ đến ngoài những nội dung đã có này, sau hơn 10 năm, mình lại có những bài khác về lĩnh vực từ nguyên, tại sao mình không làm tiếp. Thế nên Từ nguyên được xuất bản tập 1. Tức là Từ nguyên vẫn còn tiếp tục, nhưng quả thật còn tùy thuộc vào sức khỏe nữa.

[Tác phẩm Từ nguyên được xuất bản năm 2019, dừng lại ở tập 1]

- Ngoài "Từ nguyên" sẽ tiếp tục thực hiện, học giả An Chi còn ấp ủ cho một đề tài nào khác?

- Tôi cũng có tính, nhưng mà một là chưa nghĩ ra cái gì mình có đủ năng lực để làm; thứ hai là thấy sức khỏe cứ xuống dần nên chưa nói trước được.

- Bộ "Chuyện Đông chuyện Tây" trải qua nhiều lần xuất bản và được độc giả đón nhận. Và tác phẩm đang vào Chung khảo Giải thưởng Sách Quốc gia. Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi sách mình được đề cử?

- Đầu tiên tôi cảm thấy rất vinh dự. Đúng sự thật ra là mình không ngờ tới. Hoàn toàn không ngờ tới. Tôi nghĩ đầu óc nhỏ bé của mình đâu cho phép mình đọc nhiều thứ. Mà càng không cho phép mình đọc mọi thứ có ở trên đời nữa. Cho nên tôi vẫn nghĩ là ngoài Chuyện Đông chuyện Tây mà mình yêu thích, nó là đứa con mình đẻ ra, nhưng còn có rất nhiều công trình khác, thuộc những lĩnh vực khác có thể hơn tác phẩm của mình.

Có thể mình may mắn, tác phẩm của mình đoạt giải. Tôi rất cám ơn hội đồng chấm giải. Cá nhân không hề nghĩ tới giải này giải kia cho Chuyện Đông chuyện Tây mà hội đồng lại chịu đọc và đánh giá tốt. Còn để đưa tác phẩm đến bạn đọc, tôi rất cám ơn nhà xuất bản đã quan tâm tới tác phẩm của An Chi.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cung-hoc-gia-an-chi-mot-bai-phong-van-chua-dang-post1364726.html