Cục thuế Hà Nội ngừng sử dụng hóa đơn của Tập đoàn FLC để cưỡng chế thuế
Cục Thuế Hà Nội đã quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với Tập đoàn FLC liên quan khoản nợ thuế của doanh nghiệp này.
Công ty CP Tập đoàn FLC (MCK: FLC) vừa có thông báo về việc đã nhận được quyết định số 44135/QĐ-CTHN-QLN ngày 8/9/2022 về việc cưỡng chế thuế từ Cục Thuế TP Hà Nội liên quan khoản nợ thuế của doanh nghiệp.
Nguyên nhân là vì Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp gần 325,8 tỷ đồng phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật quản lý thuế.
Cơ quan thuế TP đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với Tập đoàn FLC, đồng nghĩa với việc FLC sẽ không thể xuất hóa đơn cho các giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ cho đối tác và khách hàng tại các đầu mối kinh doanh do Cục Thuế Hà Nội quản lý.
Thời gian gần đây, FLC liên tiếp vướng vào các vi phạm liên quan lĩnh vực thuế, chủ yếu đến từ các khoản nợ thuế hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp.
Đầu tháng 9/2022, FLC bị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình ra quyết định cưỡng chế thuế số tiền hơn 448 tỷ đồng bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng.
Trước đó, ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa) cũng ra 8 quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với số tiền hơn 130 tỷ đồng với FLC.
Đầu tháng 8/2022, FLC cũng đã nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền gần 224 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2022 của FLC, doanh thu thuần nửa đầu năm nay của doanh nghiệp giảm đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 1.661 tỷ đồng.
Nguồn thu tài chính sụt giảm, chi phí hoạt động tăng cao và phải gánh lỗ lớn từ công ty liên kết, FLC đã ghi nhận khoản lỗ ròng 1.106 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 63,49 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ bán niên cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của tập đoàn này, chỉ sau mức lỗ kỷ lục cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong năm 2022, FLC dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tập đoàn vẫn chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua các chỉ tiêu này.
Trong một diễn biến liên quan, sau khi dàn lãnh đạo cấp cao của FLC và một số doanh nghiệp liên quan bị khởi tố, bắt giữ; nhiều địa phương như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... đã dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án của FLC.
Quy mô các dự án này lên tới hàng trăm ha, tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.