Cử tri, Nhân dân kỳ vọng những quyết sách của Quốc hội sẽ tạo đột phá, mở đường cho đổi mới, sáng tạo
Sáng 10/7, tiếp tục Phiên họp thứ 47, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6/2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp
Kỳ vọng những quyết sách của Quốc hội sẽ tạo đột phá, mở đường cho đổi mới, sáng tạo
Trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga trình bày tóm tắt Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6/2025. Theo đó, cử tri và Nhân dân quan tâm, đồng thuận, thống nhất cao với chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Cử tri và Nhân dân cho rằng, thời gian qua Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhất là việc triển khai khẩn trương, nghiêm túc các điều kiện phục vụ hoạt động của chính quyền cấp xã (mới), tổ chức vận hành thử nghiệm hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã mới sau sắp xếp.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga
Đây là những tiền đề quan trọng để sáng 30/6/2025 trên địa bàn cả nước đồng loạt tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương về sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã được diễn ra trang trọng, nghiêm túc, đúng quy định. Lễ công bố là sự kiện chính trị trọng đại, có tính lịch sử của đất nước, khi giang sơn được sắp xếp lại không chỉ để gọn hơn mà còn để phát triển mạnh mẽ hơn. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa chính trị, hành chính đặc biệt quan trọng, mà còn thể hiện quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kết quả của sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; khẳng định tinh thần đổi mới, đoàn kết và thống nhất trong toàn quốc.
Cử tri rất quan tâm đến việc triển khai và thực hiện 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị; hết sức quan tâm đến các hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua và cho rằng các hoạt động này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, góp phần phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục lan tỏa, nâng cao hình ảnh về một Việt Nam thủy chung, nghĩa tình với các nước bạn bè truyền thống; đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tạo thêm những trợ lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Đại biểu tham gia Phiên họp
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực và kỳ vọng những quyết sách mà Quốc hội đưa ra sẽ tạo sự đột phá, mở đường cho đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và hội nhập sâu rộng, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng; tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra như nhiều đợt mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở một số địa phương; việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ làm tăng chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân; tình trạng cháy nổ vẫn diễn ra, nhiều vụ gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình hình đuối nước xảy ra vào mùa hè do nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là bơi lội của trẻ em và người lớn tăng lên; việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp chia tách thửa đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật đất đai chưa phù hợp với thực tế… cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, có giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.
Tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng
Về kết quả tiếp nhận, xử lý kiến nghị của cử tri và Nhân dân và giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổng hợp được 998 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đến nay, Thường trực Ủy ban đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 212 kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 9, tỷ lệ giải quyết, trả lời đạt 21,2%. Hiện còn 786 kiến nghị đang được trả lời, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan giải quyết, trả lời đúng hạn và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Đối với tình hình khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga nêu rõ, trong tháng 4, 5 và 6 năm 2025, nhất là trong khoảng thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng nhưng về cơ bản, không còn tình trạng thường xuyên tập trung đông người gây ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội. Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã tích cực, chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và 18 Tổ công tác các địa phương tổ chức tiếp, đối thoại trực tiếp với các đoàn đông người; hướng dẫn, tuyên truyền và vận động được 467 công dân trở về địa phương để được xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Toàn cảnh Phiên họp
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Quốc hội về triển khai thực hiện các nội dung kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp lên Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thường trực Ủy ban đã chủ động triển khai các nội dung theo kết luận của Tổng Bí thư; phối hợp với Thanh tra Chính phủ triển khai kế hoạch rà soát việc giải quyết đối với 226 vụ việc phức tạp, kéo dài tại các địa phương.
Đối với 21 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp của 04 địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh), thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã ban hành kế hoạch giám sát và phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có liên quan và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương thực hiện các hoạt động giám sát tại 04 địa phương.
Tuy nhiên, do việc triển khai các hoạt động tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo Nghị quyết 18 nên việc tổ chức giám sát trên thực tế chưa triển khai được theo kế hoạch. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá việc giải quyết về từng vụ việc cụ thể. Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát sẽ tổ chức Đoàn công tác tại các địa phương để trao đổi, làm rõ các thông tin để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm một số vụ việc còn có vướng mắc trong việc tổ chức, thực hiện pháp luật.
Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp đã tiếp 863 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 848 vụ việc và có 30 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã chuyển đơn 67 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 61 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 720 vụ việc.

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp
Các cơ quan đã tiếp nhận và xử lý được 6.666 đơn thư của công dân gửi đến. Qua nghiên cứu 1.366 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 870 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 207 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân và nhận được 520 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền trước đó.
Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Qua công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị tại các Báo cáo công tác dân nguyện kỳ trước, có 04 kiến nghị đang được các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xem xét, giải quyết.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga khẳng định, ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, có biện pháp quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả và đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của Bộ, ngành, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc hậu kiểm chất lượng sản phẩm đã đăng ký.
Chỉ đạo nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý tài nguyên nước bền vững; theo dõi sát sao diễn biến khí hậu và xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp để giúp giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân trước các bất thường khí hậu đang ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường.
Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp bảo đảm cân đối cung, cầu và bình ổn thị trường vật liệu xây dựng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Bộ Tài chính phối hợp rà soát, sửa đổi các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Cần có giải pháp cung ứng và bình ổn giá vật liệu xây dựng
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2025. Báo cáo được tổng hợp trên cơ sở Báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và qua tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội sau Kỳ họp thứ 9.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào Báo cáo công tác dân nguyện về thống kê tình hình kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; chủ trương tăng cường dạy nghề, phân luồng học sinh; tuyên truyền căn cứ để xác định môn ngoại ngữ thành ngôn ngữ thứ hai theo kết luận của Bộ Chính trị để người dân hiểu rõ chủ trương này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung tình hình về tác động của thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ; việc thi hành Luật đất đai, nhất là chính sách đền bù tái định cư, chuyển đổi đất ở; tình trạng khan hiếm và giá vật liệu xây dựng đang tăng cao; giải quyết các vướng mắc về sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, huy động các lực lượng để hỗ trợ tích cực cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính sau sắp xếp.
Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là thực phẩm và thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng; chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cung ứng hàng hóa có chất lượng trên thị trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp cung ứng và bình ổn giá vật liệu xây dựng; rà soát quy định về chuyển đổi đất, quyền sử dụng đất bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa Luật Đất đai trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ X.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra chống đuối nước của học sinh trong dịp nghỉ hè và chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho khai giảng năm học mới. Tiếp tục củng cố, ổn định nơi ở, nơi làm việc của cán bộ, công chức, bố trí các trung tâm hành chính công phù hợp với các loại địa bàn, đặc biệt quan tâm đến địa bàn vùng sâu, vùng xa…
Ủy ban Dân nguyện và Giám sát rà soát toàn bộ Báo cáo công tác dân nguyện, xây dựng dự thảo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi cơ quan thực hiện theo quy định đảm bảo ngắn gọn, đầy đủ, xúc tích.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94986