Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu: Việt Nam ứng phó ra sao?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là một thông tin tích cực, luôn được đón chào nhưng Covid-19 sẽ tiếp tục là mối đe dọa, thách thức trong vấn đề cảnh giác, ứng phó đối với dịch bệnh này.

Đây không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác

Theo TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO Việt Nam, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế của Covid-19 là một tin luôn được đón chào. Đối với Việt Nam, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể vô cùng mạnh mẽ của đất nước đối với virus này.

Nhưng đồng thời, điều quan trọng, đây không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác. Covid-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa. Công bố của ngày 5/5/2023 là công bố về sự cần thiết phải tăng tốc và lập kế hoạch quản lý virus trong dài hạn.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Hà Nội.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, dù Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dựa trên công bố của WHO, Việt Nam có cơ sở quan trọng trong việc xem xét đánh giá tình hình dịch ở nước ta. Thực tế dịch bệnh trên thế giới liên quan đến Việt Nam và ngược lại, với Covid-19 cũng vậy.

Khi trên thế giới không còn tình trạng khẩn cấp, đáng quan ngại, Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia.

Phân tích về tình hình dịch tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu rõ, hiện số ca mắc mới Covid-19 ở Việt Nam đang tăng trở lại, số trường hợp nhập viện và tử vong cũng gia tăng. Nhưng tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế.

Với những trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm chứ không riêng gì với Covid-19.

Đánh giá nguy cơ, đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp

Trước một số ý kiến so sánh Covid-19 với cúm mùa và đưa ra câu hỏi nên xếp bệnh vào nhóm B hay vẫn duy trì ở nhóm A, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng.

Lồng ghép tiêm chủng Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng.

Lồng ghép tiêm chủng Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng.

Điều này giúp kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ, dựa trên đánh giá nguy cơ đặc thù của từng bệnh, từng giai đoạn thời kỳ để kiểm soát dịch một cách bền vững, không tốn kém, lãng phí nhưng phải đủ nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh cũng như đảm bảo được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho hay, tình trạng khẩn cấp toàn cầu là một tình huống vượt quá khả năng đáp ứng.

WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nữa có nghĩa là so với khả năng đáp ứng của toàn cầu không bị vượt quá, dịch bệnh đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng lưu ý, Covid-19 đã trở thành bệnh lưu hành. Chúng ta không bao giờ nghĩ đến chuyện loại bỏ hoàn toàn được Covid -19 mà phải chung sống với nó.

Điều đó có nghĩa là chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu mọi tác hại của dịch bệnh ở mức thấp nhất. Hiện nay, hệ thống y tế trong nước cũng như thế giới đều đã kiểm soát được dịch bệnh. Hàng năm, sẽ vẫn có những ca mắc nhưng có thể ở mức gây hại ít nhất đối với sức khỏe của người dân và với nền kinh tế xã hội.

Việt Nam cũng dựa trên những khuyến cáo của WHO trong kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược Covid-19 giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch này được thiết kế để hướng dẫn các quốc gia chuyển đổi sang quản lý Covid-19 lâu dài.

WHO đã vạch ra các hành động quan trọng để các quốc gia xem xét cho 5 lĩnh vực, bao gồm: Giám sát hợp tác, bảo vệ cộng đồng, chăm sóc an toàn và có thể mở rộng, tiếp cận các biện pháp đối phó và phối hợp khẩn cấp.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/covid-19-khong-con-la-tinh-trang-khan-cap-toan-cau-viet-nam-ung-pho-ra-sao.html