COP26 và bài toán nguồn lực của Việt Nam

473 tỉ USD là tổng số tiền mà Việt Nam cần để thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

 Chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu

Chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu

Con số "khổng lồ" này được ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra tại “Hội thảo tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng xanh theo hướng tăng trưởng xanh”, diễn ra sáng 17/8.

Theo ông Tấn, để thực hiện các cam kết tại COP26, Việt Nam cần thêm khoảng 100 tỉ USD cho thích ứng với biến đổi khí hậu và 373 tỉ USD để đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Lãnh đạo Bộ TN&MT cho rằng, bên cạnh nỗ lực chủ quan, Việt Nam sẽ phải huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ, định chế tài chính trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Nhà nước cần thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước nhằm tăng thêm nguồn lực đầu tư cũng như khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án phát triển carbon thấp.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững của Việt Nam cần nhận được sự đồng hành từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và tập đoàn lớn của thế giới.

Lộ trình chuyển dịch năng lượng cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của người dân với giá cả phải chăng.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu và là lựa chọn tối ưu trong phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường.

“Dù nguồn lực còn hạn chế, nhưng Việt Nam đã có những bước tiến trong việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời với công suất hơn 16,5GW và năng lượng gió công suất hơn 44GMW.

“Nếu tính cả thủy điện thì công suất lắp đặt nguồn điện tái tạo của Việt Nam hiện nay là 52,2% tổng nguồn điện”, ông An cho hay.

Đại diện Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Lê Việt Anh đánh giá, năng lượng gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy chuyển dịch xanh nhiều ngành, lĩnh vực như thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông xanh, chuyển đổi phương tiện giao thông điện, hay phát triển hydro xanh và nhiên liệu sinh học hàng không, hoặc quá trình công nghiệp và xi măng không carbon.

Theo đó, tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng xanh sẽ không chỉ phát triển đơn lẻ ngành năng lượng, mà có sự phát triển hài hòa giữa ngành năng lượng và các ngành công nghiệp, giao thông, xây dựng./.

Mai Trang

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cop26-va-bai-toan-nguon-luc-cua-viet-nam-post159703.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi