Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - Lựa chọn đúng đắn, mang tính chiến lược của Việt Nam

Ban Tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia '30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam' kỳ vọng những góp ý, hiến kế của các nhà khoa học sẽ giúp Việt Nam tiếp tục theo đuổi UNCLOS hiệu quả, nhất là trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Sáng nay (15-11), Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”.

 Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”. Ảnh: NGUYỆT NHI

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tham dự hội thảo có các vị khách quý: Đại sứ, GS-TS Nguyễn Hồng Thao, Thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hợp Quốc; Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển Việt Nam; Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân; Thiếu tá Nguyễn Quốc Thành, Trợ lý pháp chế, Bộ đội Biên phòng TP.HCM...

 Hội thảo có sự tham dự của nhiều vị khách quý. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hội thảo có sự tham dự của nhiều vị khách quý. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tham dự hội thảo còn có TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy Sản Việt Nam; GS-TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo; PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; ông Phùng Quang Ngọc, Phó Trưởng phòng lãnh sự, Sở Ngoại vụ TP.HCM, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM...

Khuôn khổ pháp lý quan trọng

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, đồng Trưởng Ban Tổ chức hội thảo, cho biết cách đây đúng 30 năm, ngày 16-11-1994, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chính thức có hiệu lực sau khi được quốc gia thứ 60 phê chuẩn.

 PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, phát biểu khai mạc. Ảnh: HOÀNG GIANG

PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, phát biểu khai mạc. Ảnh: HOÀNG GIANG

PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh nhìn nhận UNCLOS 1982 quy định toàn diện các vấn đề pháp lý quốc tế về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; quyền, nghĩa vụ và các tự do khác trong quá trình quản trị, khai thác, sử dụng biển và đại dương vì mục đích hòa bình.

UNCLOS 1982 cũng là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất để các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đặc biệt là Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Nông lương thực thế giới (FAO) ban hành các văn kiện chính trị, điều ước quốc tế về hàng hải, hàng không, thương mại quốc tế, an ninh biển, quản lý, bảo tồn, khai thác thủy sản và bảo vệ môi trường biển.

 PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, cho biết sẽ tổng hợp và kiến nghị các giải pháp cho Chính phủ, bộ, ngành để thực hiện có hiệu quả UNCLOS 1982. Ảnh: HOÀNG GIANG

PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, cho biết sẽ tổng hợp và kiến nghị các giải pháp cho Chính phủ, bộ, ngành để thực hiện có hiệu quả UNCLOS 1982. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông, UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý để các quốc gia và vùng lãnh thổ có biển ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển. "Vì lẽ đó, UNCLOS 1982 được coi là 'Hiến pháp về biển và đại dương' của cộng đồng quốc tế, điều ước quốc tế toàn cầu có tầm quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên Hợp Quốc" - PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhận định.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng UNCLOS 1982 cần phải thay đổi để tiếp tục hoàn thiện, nhằm phát huy giá trị pháp lý quốc tế phổ quát của UNCLOS trong hiện tại và tương lai. Bởi có sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hàng hải, hàng không; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đại dương; biến đổi khí hậu; sự phát triển của thương mại quốc tế; sự thay đổi nhanh chóng của địa chính trị quốc tế…

Lựa chọn đúng đắn nhất

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Nhà báo Mai Ngọc Phước, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, đồng Trưởng Ban Tổ chức hội thảo, nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia ven biển nằm trong khu vực Biển Đông, đứng trước những biến động to lớn trong môi trường chính trị - an ninh quốc tế, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần phát biểu rằng Việt Nam chọn chính nghĩa.

 Nhà báo Mai Ngọc Phước,Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, đồng Trưởng Ban Tổ chức hội thảo, phát biểu đề dẫn. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhà báo Mai Ngọc Phước,Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, đồng Trưởng Ban Tổ chức hội thảo, phát biểu đề dẫn. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tức, chọn lẽ phải, chọn thượng tôn pháp luật, luật pháp quốc tế mà giá trị cao nhất của sự lựa chọn này chính là hòa bình, ổn định, phát triển, tất cả các bên đều có lợi.

“Công ước Luật Biển là một trong những chọn lựa đúng đắn nhất, mang tính chiến lược của Việt Nam kể từ khi chúng ta đặt bút ký tham gia, đến khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn cách đây đúng 30 năm cho đến hiện nay” - ông Mai Ngọc Phước nhìn nhận và khẳng định trong thời điểm thế giới xảy ra nhiều biến động thì giá trị của Công ước Luật biển 1982 càng phát huy giá trị.

 Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo, trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo, trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG GIANG

Với vai trò và thách thức của UNCLOS 1982 trong giai đoạn hiện nay, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM mong các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học… chia sẻ những góc nhìn mang tính thực tiễn nhất về vai trò, đóng góp của Công ước Luật Biển 1982 đối với tất cả các khía cạnh.

Qua đó, làm nổi bật những cam kết và hành động, sáng kiến của Việt Nam trong xây dựng và thực thi Công ước Luật Biển 1982.

 Các đại biểu, khách mời xem cẩm nang "Những điều cần biết về đánh bắt hải sản" do Báo Pháp Luật TP.HCM biên soạn để tặng cho bà con ngư dân trong khuôn khổ Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển do báo tổ chức. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các đại biểu, khách mời xem cẩm nang "Những điều cần biết về đánh bắt hải sản" do Báo Pháp Luật TP.HCM biên soạn để tặng cho bà con ngư dân trong khuôn khổ Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển do báo tổ chức. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Những kỳ vọng, góp ý, hiến kế này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục theo đuổi một cách hiệu quả Công ước Luật Biển 1982 trong những thập niên tiếp theo, nhất là khi đặt trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông còn phức tạp, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền sẽ là chặng đường còn dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực, sự quyết liệt, linh hoạt và khéo léo từ phía Việt Nam cũng như sự thiện chí, tinh thần hợp tác từ các quốc gia khác” - ông Mai Ngọc Phước bày tỏ.

 Các đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo chụp hình lưu niệm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo chụp hình lưu niệm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Góp phần kiến tạo hòa bình tại Biển Đông

Chia sẻ góc nhìn về việc áp dụng UNCLOS trong báo chí, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thái Bình cho rằng báo chí cần tập trung khai thác nhiều hơn nữa các giải pháp từ UNCLOS khơi gợi, tạo ra những tuyến bài phân tích, chuyên sâu, toàn diện, có giá trị xây dựng, góp phần kiến tạo hòa bình tại Biển Đông.

 Nhà báo Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Trưởng ban Tổ chức, tham luận về báo chí giải pháp nhìn từ truyền thông UNCLOS 1982. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhà báo Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Trưởng ban Tổ chức, tham luận về báo chí giải pháp nhìn từ truyền thông UNCLOS 1982. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo ông, việc tìm ra các giải pháp cho vấn đề an toàn, an ninh hàng hải cùng với phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững… hoàn toàn có thể nhìn từ UNCLOS.

Công ước này có thể trở thành nguồn chất liệu phong phú để truyền thông khai thác, giải quyết các thách thức đang tồn tại nhiều năm qua một cách toàn diện ở Biển Đông.

Ông Nguyễn Thái Bình cho rằng người làm báo có thể hướng tới việc thúc đẩy việc thiết lập các chương trình nghị sự và làm nổi bật các nội dung có tính định hướng lối ra cho vấn đề Biển Đông với trung tâm là các nội dung, tinh thần, định hướng, gợi ý và cả những nội dung phát sinh từ UNCLOS.

 Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều sinh viên các trường đại học. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều sinh viên các trường đại học. Ảnh: HOÀNG GIANG

 ThS - LS Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Công ty Luật Tri Ân tham dự Hội thảo. Ảnh: HOÀNG GIANG

ThS - LS Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Công ty Luật Tri Ân tham dự Hội thảo. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông gợi ý về những bài viết phân tích sâu sắc các yêu sách của các quốc gia dựa vào sự diễn ngôn hợp lý, được thừa nhận chung từ UNCLOS.

Hay các phân tích pháp lý về các vụ va chạm trên biển cũng như các gợi ý về cơ chế pháp lý đảm bảo các bên có thể kiềm chế do UNCLOS mở ra; các giải pháp hợp tác cùng khai thác tài nguyên, bảo vệ con người giữa các quốc gia trong khu vực từ nền tảng pháp lý mà UNCLOS mang lại…

Qua đó, tạo nguồn giải pháp cho một khu vực Biển Đông tuy nhộn nhịp nhưng cũng đầy căng thẳng và phức tạp, dù trong nhiều trường hợp, tính khả dĩ của các giải pháp mà giới truyền thông đưa ra vẫn còn khá khiêm tốn, thậm chí còn bị chỉ trích là quá lạc quan.

UNCLOS không phải văn bản chết

Tại hội thảo, PGS-TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng UNCLOS đã xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế thống nhất, toàn diện về biển và đại dương.

PGS-TS. Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, trình bày tham luận về những giá trị pháp lý và thách thức hoàn thiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử pháp lý quốc tế, UNCLOS đã phân định biển và đại dương thành ba khu vực với ba chế độ pháp lý khác nhau gồm: không gian biển là lãnh thổ quốc gia (nội thủy, vùng nước quần đảo và lãnh hải); không gian biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); không gian biển chung của nhân loại (biển quốc tế) và đáy đại dương (la zone).

Bên cạnh việc phân định biển, UNCLOS đã quy định tổng thể và toàn diện các vấn đề pháp lý khác như về eo biển, đảo, quốc gia quần đảo; các thực thể địa lý trên biển; hoạt động hàng hải, hàng không; khai thác, sử dụng, quản lý, bảo tồn tài nguyên biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển; giải quyết tranh chấp.

Cạnh đó, UNCLOS đã xây dựng các thiết chế để thực thi và hợp tác quốc tế về biển như Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Tòa án quốc tế về luật biển, Tòa Trọng tài và Tòa Trọng tài đặc biệt.

PGS-TS Ngô Hữu Phước nhấn mạnh: UNCLOS không phải là văn bản chết, có giá trị pháp lý vĩnh cửu và bất biến mà luôn được cập nhật, bổ sung để ngày càng hoàn thiện.

Theo ông, trên cơ sở UNCLOS, các quốc gia, vùng lãnh thổ đã hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là pháp luật về biển. Tại Việt Nam, sau khi phê chuẩn UNCLOS, năm 1994, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến biển để xác lập, thực thi các quyền trên biển như Luật Biên giới quốc gia, Bộ luật Hàng hải, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản…

Việt Nam cũng đã ký kết các điều ước quốc tế về phân định biển với các quốc gia trong khu vực như với Thái Lan, Trung Quốc,...

Đi sâu vào thách thức phải hoàn thiện UNCLOS, PGS-TS Ngô Hữu Phước cho rằng cùng với thay đổi nhanh chóng, không ngừng của khoa học công nghệ, nhu cầu quản trị, khai thác tài nguyên biển và đại dương, địa chính trị và quan hệ quốc tế đã đặt ra ba thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong việc hoàn thiện UNCLOS.

Đó là thách thức do biến đổi khí hậu, thách thức về an ninh hàng hải và thách thức về bảo vệ quyền con người trên biển...

LÊ THOA

ĐỨC HIỀN

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-luat-bien-1982-lua-chon-dung-dan-mang-tinh-chien-luoc-cua-viet-nam-post819921.html