Cổng thông tin điện tử về FTA đầu tiên của Việt Nam - Nơi giải đáp thắc mắc của DN về FTA

Sau hơn 6 tháng khai trương Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (FTAP), đã cập nhật về các hiệp định thương mại tự do và những khung khổ hội nhập mà Việt Nam tham gia...

Sau hơn 6 tháng khai trương Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn/, đến nay, đã cập nhật về các hiệp định thương mại tự do và những khung khổ hội nhập mà Việt Nam tham gia, trong đó tập trung cung cấp thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các đối tượng quan tâm tới cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh châu Âu (EVFTA).

Cổng thông tin điện tử về FTA (FTAP) được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019) dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Australia. Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai xây dựng (từ tháng 2 năm 2019).

Công cụ tra cứu thiết kế cho FTAP cho phép bất cứ ai quan tâm đến các cam kết FTA đều có thể tiếp cận và được hướng dẫn trực tuyến một cách chi tiết, rõ ràng và đơn giản, từ các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư… hay các thông tin thiết yếu về tình hình thị trường các nước mà Việt Nam tham gia FTA, các quy định về xuất, nhập khẩu hay phát triển bền vững...

Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương - cơ quan đầu mối quản trị Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) về những tiện ích cụ thể này:

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa Biên (Bộ Công Thương) - Ảnh: T.N

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa Biên (Bộ Công Thương) - Ảnh: T.N

PV: Xin ông cho biết về những hỗ trợ, kết nối cụ thể cho doanh nghiệp thông qua cổng thông tin điện tử FTA sau 6 tháng được ứng dụng và đi vào thực tế?

Ông Lương Hoàng Thái: Một trong những ưu tiên của chúng ta ở giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế đó là việc phải tận dụng tốt nhất các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình Quốc hội giám sát, thực thi các Hiệp định thương mại tự do thì đây cũng là những vấn đề đặt ra. Và để có những bước triển khai tích cực này thì Chính phủ cũng đã có chỉ đạo mạnh mẽ vẽ về việc sử dụng những tiến bộ về công nghệ, đặc biệt dưới hình thức trực tuyến.

Để một mặt chúng ta có thể phổ biến được những lợi ích của Hiệp định thương mại tự do đến rộng nhất các đối tượng quan tâm, mặt khác tiết kiệm nhất chi phí vận hành. Chính vì vậy, Bộ Công thương đã phối hợp với Ngân hàng thế giới và dưới sự tài trợ của Australia để xây dựng Cổng trực tuyến về những Hiệp định thương mại tự do.

Cổng này được vận hành theo công nghệ tiên tiến nhất hiện nay - tức là công nghệ chúng ta học tập từ những nước thành viên CPTPP và trước mắt là áp dụng với các thành viên này. Nhưng ngay trong quá trình xây dựng Cổng cũng đã mở rộng để hướng tới áp dụng cho tất cả các nước thành viên khác và Cổng này là hạt nhân.

Bên cạnh đó thì cũng có các hoạt động hỗ trợ cho các địa phương, các doanh nghiệp để có thể hiểu rõ hơn các các cam kết để sử dụng được cổng hỗ trợ trực tuyến này. Và mục đích cuối cùng là giúp cho doanh nghiệp có thể tận dụng được những cơ hội để đi vào các thị trường mà doanh nghiệp quan tâm và chúng ta có tiềm năng để xuất khẩu.

PV: Thưa ông kể từ khi khai trương Cổng trực tuyến về FTA đến nay, thực tế việc truy cập của doanh nghiệp cũng như các chính quyền địa phương vào cổng này như thế nào?

Ông Lương Hoàng Thái: Cho đến nay, chúng tôi cũng đã nhận được hàng ngàn câu hỏi của người dân và doanh nghiệp liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, và đây là những tín hiệu rất đáng mừng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có một số sự kiện tổ chức trực tuyến để mọi người có thể tham gia, đặt câu hỏi. Những hoạt động này cũng có hàng nghìn các đối tượng tham gia. Đây là tín hiệu rất tích cực, bởi vì trong bối cảnh đại dịch chúng ta không thể tổ chức trực tiếp những hội nghị lớn được. Dưới hình thức trực tuyến này phạm vi mức độ bao phủ toàn quốc, rộng hơn chứ không phải chỉ ở những địa phương cụ thể và số lượng người tham gia cũng rộng hơn rất nhiều so với các hoạt động truyền thống trước đây.

Tất nhiên như tôi nói, đây mới là giai đoạn đầu của Cổng về các Hiệp định thương mại tự do khi đi vào vận hành. Và hiện nay thì cũng mới tập trung vào những hiệp định tự do mang tính phức tạp nhất, khó hiểu nhất và mới được triển khai (như CPTPP hay EVFTA, UKVFTA). Thời gian tới đây chúng tôi hi vọng sẽ mở rộng ra thêm cho cả những hiệp định thương mại tự do truyền thống trước đây.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã xây dựng những bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể về những ngành hàng cụ thể để khi các doanh nghiệp muốn đi vào các thị trường cụ thể này cần quan tâm đến vấn đề gì thì đều có thể nắm được. Để doanh nghiệp ngoài việc hiểu về các quy định của hiệp định thì cũng có thể hiểu hơn về thị trường, để từ đó có thể vận hành các quá trình kinh doanh và xuất khẩu của mình sang các thị trường đó.

Ví dụ như các mặt hàng nông sản vào thị trường Canada hay là EU chẳng hạn thì cũng đã có những cẩm nang hướng dẫn rất cụ thể về kênh phân phối đi vào như thế nào, các quy định của các đối tác... mà quy định đó thậm chí có thể còn không được quy định trong Hiệp định Thương mại tự do. Đây là những quy định trong nước của họ để bảo vệ sức khỏe con người thì chúng ta cần phải quan tâm đến những vấn đề gì…

PV: Như ông vừa chia sẻ thì có tới hàng nghìn những câu hỏi của các doanh nghiệp đặt ra khi tìm kiếm thông tin trên Cổng này. Hiện nay chúng ta cũng đã có 18 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và cũng đã có 15 Hiệp định được thực thi. Từ thực tế vận hành cổng này thời gian qua, đã có những phản hồi như thế nào về khó khăn trong việc truy cập hay chưa, và chúng ta cần phải làm gì để cải thiện tốt hơn nữa Cổng để các doanh nghiệp và người dân có thể truy cập tốt nhất cũng như nắm bắt được nhiều nhất những cơ hội từ các FTA, thưa ông?

Ông Lương Hoàng Thái: Đối tượng mà chúng ta muốn hỗ trợ nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp có ít kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường quốc tế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này bao giờ cũng rất bỡ ngỡ khi tham gia vào thị trường nước ngoài bởi những quy định khác biệt so với kinh doanh ở trong nước…

Tất nhiên là kinh doanh ở nước ngoài thì bao giờ rủi ro cũng có thể lớn hơn vì thông tin chúng ta không đầy đủ, những quy tắc quy định của nước ngoài rất khác với quy định ở trong nước. Và các nước khác thì họ có những doanh nghiệp đầu tàu đi trước và dẫn theo những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tham gia vào chuỗi cung ứng.

Chúng ta vẫn đang ở trong quá trình xây dựng để có được những doanh nghiệp đầu đàn trong nước, để từ đó kéo theo những doanh nghiệp khác cùng đi lên. Song song với đó, chúng tôi cũng mong muốn là có một số doanh nghiệp có thể chủ động vượt qua được những thách thức này để tận dụng được những thông tin cũng như những cam kết mà chúng ta có từ Hiệp định có thể chủ động vươn ra nước ngoài…

Và, qua những câu hỏi, những nội dung được gửi về Bộ Công Thương, thông qua Cổng thì chúng tôi cũng đã cố gắng phối hợp với các bộ, ngành để có thể trả lời tối đa các câu hỏi này bời vì phạm vi của các vấn đề nêu ra rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, thì trong phạm vi của mình thì chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ...

PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn ông./.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cong-thong-tin-dien-tu-ve-fta-dau-tien-cua-viet-nam-noi-giai-dap-thac-mac-cua-dn-ve-fta-863683.vov