Dịch chuyển dòng vốn đầu tư dưới thời chính quyền Trump 2.0: Việt Nam làm gì để đón đầu cơ hội?
Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, Việt Nam cần có sự chuẩn bị về chiến lược phát triển kinh tế để đón đầu cơ hội khi dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump 2.0.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống năm 2024 dự báo sẽ mang đến những biến động mới trong chính sách thương mại của Mỹ. Là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ, Việt Nam có thể phải đối mặt với những thách thức mới, nhưng cũng có cả cơ hội. Vậy, Việt Nam cần chuẩn bị gì? Giáo sư Hà Tôn Vinh đã trao đổi với VietTimes về vấn đề này.
Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung sẽ còn căng thẳng hơn
Trước hết xin chúc mừng Giáo sư, một đảng viên đảng Cộng hòa, với việc ông Donald Trump thắng cử và trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Cảm giác của ông lúc này như thế nào?
- Tôi rất vui mừng vì ông Donald Trump đã trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Tôi là công dân Mỹ hơn 50 năm rồi. Tôi hiểu người Mỹ rất thực dụng. Họ sẽ bỏ phiếu bầu ra người đem lại “cơm, áo, gạo tiền” cho họ. Bà Kamala Harris cũng rất xuất sắc, nhưng người được đa số người dân Mỹ lựa chọn là ông Trump.
Ông Trump từng đe dọa áp thuế lên đến 60% đối với tất cả hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Mỹ đã duy trì thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Tính đến năm 2023, con số này vẫn ở mức cao, mặc dù đã có một số biến động do các chính sách thuế quan và sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Con số này dao động khoảng 300-400 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022. Ở nhiệm kỳ đầu của mình, ông Trump đã áp dụng nhiều biện pháp thuế quan để hạn chế Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump dự kiến sẽ tiếp tục chính sách thương mại bảo hộ, tập trung bảo vệ kinh tế nội địa và giảm thâm hụt thương mại. Ông có thể áp thuế phổ quát 10-20% lên tất cả hàng nhập khẩu và thậm chí tăng thuế lên đến 60% đối với hàng Trung Quốc, nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ.
Ông Trump cũng có khả năng thúc đẩy chiến lược “tách rời” (Decoupling) kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc, đặt ra các rào cản thương mại để giảm sự phụ thuộc vào các mặt hàng như dược phẩm, điện tử và thép từ Trung Quốc. Điều này bao gồm việc khuyến khích các công ty Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đa dạng hóa nguồn cung ứng từ các nước khác.
Tăng cường hợp tác với các quốc gia khác (ví dụ: Nhật Bản, Ấn Độ, EU) để hình thành các liên minh kinh tế nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Trump cũng có thể đề xuất thu hồi quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc, cho phép Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa từ quốc gia này.
Ngoài ra, ông có thể ưu tiên hiệp định thương mại song phương và cân nhắc đàm phán lại Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada vào năm 2026 nhằm kiểm soát nhập cư và ngăn Trung Quốc lợi dụng Mexico làm điểm trung chuyển.
Đồng thời chính quyền Trump có thể tiếp tục hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, và công nghệ quốc phòng. Thắt chặt quy tắc tài chính nhằm bảo vệ nhà đầu tư Mỹ khỏi các công ty Trung Quốc bị cáo buộc là thiếu minh bạch tài chính.
Các biện pháp thuế quan và chính sách bảo hộ này của ông Trump đã làm dấy lên làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, tạo cơ hội cho các nước khác, trong đó có Việt Nam, trở thành điểm đến mới của các doanh nghiệp toàn cầu.
Việt Nam: thời cơ và thách thức
Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào. Xin ông phân tích rõ hơn.
- Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Việt Nam thấy được cả lợi ích và thách thức từ những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ. Việt Nam được hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng khi nhiều doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc để tránh các mức thuế quan cao của Mỹ.
Tuy nhiên, chính sách “America First” (Nước Mỹ trên hết) của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai không chỉ đơn thuần là bảo hộ thương mại, mà còn mở rộng quy mô với những biện pháp mạnh tay, tập trung vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước và giảm nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và các nước ASEAN.
Chính sách này sẽ tạo ra thách thức cho Việt Nam, bởi nếu không cẩn trọng trong quan hệ thương mại với Mỹ, Việt Nam có thể trở thành đối tượng tiếp theo của các biện pháp thuế quan. Cụ thể là các lĩnh vực sau:
Về xuất khẩu, Việt Nam có thể gặp khó khăn: Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu ông Trump áp đặt thuế quan cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam, đặc biệt trong các ngành như dệt may, da giày, điện tử và nông sản. Xuất khẩu sang Mỹ giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Về đầu tư nước ngoài: Chính sách bảo hộ của ông Trump có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ rút vốn khỏi Việt Nam hoặc giảm đầu tư mới, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI – một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp Mỹ quyết định dịch chuyển sản xuất về nước hoặc sang các quốc gia khác, Việt Nam sẽ mất đi nguồn vốn và công nghệ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh và sự phát triển dài hạn.
Áp lực tài chính và tỷ giá hối đoái: Việc áp thuế cao có thể làm tăng giá trị đồng USD, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Đồng VND sẽ phải đối mặt với sức ép giảm giá, ảnh hưởng đến việc thanh toán nợ công và chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp trong nước. Áp lực này có thể làm tăng lãi suất và tác động đến khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam nên ứng phó như thế nào trước những biến động này để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo ông?
- Giai đoạn 4 năm của chính quyền Trump 2.0 sẽ mang đến không ít thách thức cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể áp dụng các chiến lược ứng phó linh hoạt và chủ động, các tác động từ chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump có thể được giảm thiểu.
Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường quan hệ song phương, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là những hướng đi quan trọng để Việt Nam tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững trong bối cảnh đầy biến động.
Xin ông nói cụ thể hơn.
- Nếu đi vào cụ thể, theo tôi, có mấy giải pháp có thể đưa ra ở đây như sau.
Một là, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: mở rộng sang các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đông Bắc Á, Trung Đông… Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã tạo điều kiện cho Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu, một trong những thị trường có tiềm năng lớn.
Hai là, cần tập trung vào việc cải tiến chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm để tăng cường tính cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động mà còn tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế.
Các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào lao động, như dệt may và da giày, có thể bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp áp thuế. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường khả năng công nghệ và đổi mới để có thể tiếp cận những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ba là, thắt chặt quan hệ song phương với Mỹ: Việt Nam cần duy trì đối thoại và tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ. Thông qua các cuộc đàm phán thương mại song phương, Việt Nam có thể tìm cách đạt được các thỏa thuận thuận lợi hơn, giải quyết những vấn đề thương mại một cách hài hòa. Bằng cách duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ và thường xuyên đối thoại, Việt Nam có thể giảm bớt nguy cơ bị áp thuế từ phía Mỹ.
Bốn là, cải thiện môi trường kinh doanh: Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường minh bạch và giảm bớt các thủ tục hành chính. Một môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.
FDI vào Việt Nam sẽ tăng và ba thách thức lớn
Việt Nam sẽ đối diện với thách thức ra sao khi dòng vốn FDI đổ vào, và cần phải làm gì để vượt qua những thách thức đó?
- Trước cơ hội một lần nữa đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển cho giai đoạn tới, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển tích cực hơn nữa. Vì khi dòng vốn FDI vào nhiều sẽ tạo thêm công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Thực tế cho thấy những năm qua các doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong lực kéo tăng trưởng kinh tế. Thuận lợi thứ hai là nguồn cung ngoại tệ sẽ dồi dào hơn nhờ dòng vốn FDI, khi đó cũng sẽ góp phần ổn định tỷ giá USD/VND.
Ở chiều ngược lại, một khi để phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương nếu một khi dòng vốn FDI rút đi, trong khi các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ sức thay thế và bị tụt lại về khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bài học trước mắt của Trung Quốc là minh chứng rõ nhất, khi nước này đã phải chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển kể từ cuộc thương chiến với Mỹ khởi phát từ năm 2018 đến nay, khiến tăng trưởng suy yếu.
Thách thức hai là khi dòng vốn FDI đổ vào nhiều sẽ tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng vốn đang còn nhiều điểm nghẽn, cũng như nguy cơ thiếu hụt năng lượng gia tăng. Đáng lưu ý là Việt Nam cũng đã cam kết giảm phát thải khí ròng về 0 vào năm 2050. Nếu dòng vốn FDI vào quá lớn, đặc biệt là từ những dự án không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, có thể làm phức tạp thêm mục tiêu này. Vì vậy, Việt Nam cần phải sớm tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dự án năng lượng tái tạo, để chuẩn bị đón nhận làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư kế tiếp.
Thách thức thứ ba là khi các doanh nghiệp từ Trung Quốc chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam, nhằm xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ để tránh thuế, khi đó tình trạng mất cân đối thương mại giữa Mỹ và Việt Nam có thể càng thêm trầm trọng. Hệ quả là Mỹ có thể quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu, tăng thuế suất hàng hóa nhập từ Việt Nam, tương tự như đã áp dụng với Trung Quốc.
Capital Economics dự báo hầu hết các đồng tiền châu Á sẽ giảm giá tới 5% so với đồng USD trong năm tới do môi trường lãi suất cao hơn dự báo tại Mỹ. Lãi suất cao thường thu hút dòng vốn vào Mỹ, khiến các nền kinh tế mới nổi thiếu hụt nguồn vốn vay rẻ và tăng trưởng đi kèm. Vậy theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam?
- Tác động của điều này có thể thấy qua đồng rupee Ấn Độ, vốn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD sau cuộc bầu cử Mỹ. Một số quốc gia khác cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, do khối lượng xuất khẩu lớn vào quốc gia này.
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á khác lại có thể hưởng lợi nếu thuế quan cao hơn đối với Trung Quốc khiến các nhà sản xuất phải di dời như chúng ta đã phân tích ở trên.
Theo tôi, Việt Nam, với chi phí lao động thấp và vị trí địa lý chiến lược, cho đến nay là nước hưởng lợi lớn nhất từ mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi. Về lý thuyết là như vậy, còn thực tế Việt Nam có “nắm bắt” được lợi thế đó hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào bản thân chúng ta.
Trong quá khứ, Ấn Độ cũng đã hưởng lợi từ thuế quan và rủi ro liên quan đến quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Các rào cản thuế quan hoặc phi thuế quan tiềm năng đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ và chương trình sản xuất nội địa “Make in India” từng mang lại lợi ích cho các công ty dịch vụ sản xuất điện tử Ấn Độ trong các lĩnh vực như mạch điện, chất bán dẫn, điện thoại di động, cáp và dây điện…
USD sẽ vẫn là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất
Với mong muốn thách thức sự thống trị của đồng USD, các quốc gia thành viên BRICS đang nghiên cứu phát triển một loại tiền kỹ thuật số chung trên toàn cầu. Xu thế giảm phụ thuộc vào USD của khối này sẽ tác động đến Việt Nam ra sao, thưa ông?
- Mục đích đằng sau việc tạo ra đồng tiền BRICS là nhằm cạnh tranh với đồng USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại của BRICS với mức tăng trưởng thương mại đáng kể. Ngoài ra, Việt Nam có khả năng thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp (FDI) từ BRICS, đặc biệt là từ các thành viên mới như UAE trong lĩnh vực năng lượng. Dòng vốn FDI từ BRICS có thể sẽ là cơ hội phát triển các ngành công nghệ và cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đa dạng hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên Nếu BRICS triển khai giao thương hoàn toàn bằng đồng nội tệ, áp lực giảm giá dài hạn sẽ ảnh hưởng đến USD, từ đó gây áp lực mất giá nhẹ lên VND/USD. Điều này có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, trong thời gian 10-15 năm tới, đồng USD vẫn là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất theo một số thước đo và vượt trội hơn tất cả các loại tiền tệ hàng đầu bất chấp các mối đe dọa phi USD hóa từ BRICS.
Xin cám ơn ông!
Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục và Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam và là chuyên gia Tư vấn Cao cấp vùng châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB).