Công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy: Cần tháo gỡ vướng mắc
Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực đẩy mạnh rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, qua đó đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ.
Chủ động sắp xếp, kiện toàn
Để đảm bảo triển khai đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao sau khi tinh gọn bộ máy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn (chỉ còn Thanh tra tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa trình UBND tỉnh quy định vì chưa có hướng dẫn mới của bộ, ngành có liên quan). UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động rà soát, sắp xếp lại tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và cấp huyện. Đồng thời, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn cấp huyện tương ứng sau khi có hướng dẫn. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 123 tổ chức thuộc sở (không tính Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong) với 1.901 biên chế, giảm 34 tổ chức thuộc sở và 240 biên chế so với năm 2015.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập, như: Tổ chức lại Bệnh viện Ung bướu tỉnh; thành lập Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang; sáp nhập Ban Quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp vào Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh; ban hành đề án thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư tỉnh; thống nhất cơ cấu tổ chức của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học… Tỉnh cũng kết luận về phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022-2026, đảm bảo giảm 10% số đơn vị; tiếp tục triển khai đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đúng quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 615 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 68 đơn vị so với cuối năm 2015; riêng năm 2022 giảm 4 đơn vị so với năm 2021. Số phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện là 99 đơn vị, giảm 2 đơn vị so với năm 2020. Toàn tỉnh giảm 4.678 chỉ tiêu biên chế viên chức, bằng 18,13% số giao năm 2015.
Một số khó khăn, vướng mắc
Tuy đạt được một số kết quả, nhưng trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh cũng gặp một số vướng mắc. Hiện nay, nhu cầu nguồn lực của mỗi địa phương với từng nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền khác nhau nhưng Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể. Tỉnh không thể bổ sung nhân lực để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền trong điều kiện tinh giản biên chế và Trung ương yêu cầu chấm dứt hợp đồng trong và ngoài chỉ tiêu biên chế để hỗ trợ chuyên môn trong cơ quan hành chính. Tỉnh cũng bị động trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo số người làm việc được giao theo quy định, bởi một số cơ quan chỉ có 1 đơn vị sự nghiệp, không thể sáp nhập, giải thể, tổ chức lại; hoặc các đơn vị sự nghiệp không có chức năng, nhiệm vụ tương đồng trực thuộc 1 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện nên không thể sáp nhập. Các bộ liên quan chưa ban hành đầy đủ danh mục sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu và hướng dẫn xác định đơn vị loại này. Thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 25-10-2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh đã tổ chức lại 5 trường trung cấp nghề; xem xét hướng sáp nhập trường trung cấp nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp tại TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa. Thế nhưng năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đề nghị không sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên với trường trung cấp, cao đẳng; dẫn tới Khánha Hòa đang tồn tại 2 mô hình trường trung cấp nghề. Vấn đề này, tỉnh đã xin ý kiến Trung ương nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể.
Áp lực với tỉnh càng lớn hơn khi biên chế giảm, không được hợp đồng lao động cho các vị trí chưa tuyển dụng được mà khối lượng việc ngày càng tăng. Do đặc thù địa lý, để tạo điều kiện cho học sinh ra lớp, tỉnh phải tổ chức điểm trường lẻ, mở lớp, dù có nơi sĩ số lớp dưới 10 em; có nơi còn phải bố trí giáo viên đưa, đón học sinh. Trong khi đó, biên chế sự nghiệp y tế, giáo dục chiếm khoảng 80% tổng biên chế được giao; muốn đảm bảo mục tiêu tinh giản biên chế đến năm 2030, phải tinh giản cả biên chế y tế, giáo dục. Đây là điều gần như không thể…
Theo ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ, để tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, toàn tỉnh sẽ nỗ lực rà soát, đánh giá tình hình thực hiện vị trí việc làm; cập nhật quy định, hướng dẫn của Trung ương để kịp thời xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; quản lý tốt việc giao chỉ tiêu biên chế; sắp xếp đơn vị sự nghiệp theo quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp, phù hợp với địa phương, chú trọng dân chủ, công khai, năng động, sáng tạo. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về tinh giản biên chế; động viên cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng nhận nhiệm vụ sau sắp xếp, dôi dư; tiếp tục hoàn thiện các quy chế làm việc trong cơ quan hành chính, quy chế tổ chức và hoạt động trong đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ công khai, minh bạch, gắn với cải cách hành chính, công vụ…
Ông VÕ CHÍ VƯƠNG - Giám đốc Sở Nội vụ: Để đáp ứng thực tế và bảo đảm hiệu quả công tác, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, giao số người làm việc phù hợp trên cơ sở số người làm việc được đề nghị, nhất là với đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục; đề nghị các bộ quan tâm, sớm hướng dẫn đồng bộ vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, kiến nghị Trung ương phân cấp mạnh về thẩm quyền quyết định tổ chức, biên chế, nguồn lực, tạo điều kiện cho địa phương chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ.
NGUYỄN VŨ