Công bố kết quả nghiên cứu hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

Để đạt được mục tiêu đề ra thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển đổi thực chất nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn, có trách nhiệm xã hội và môi trường.

Ngày 28/3, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ – một doanh nghiệp liên bang hoạt động vì cộng đồng, hỗ trợ Chính phủ Đức nhằm đạt được các mục tiêu hợp tác quốc tế vì sự phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”. Hội thảo diễn ra với hai hình thức cả trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng zoom.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM khẳng định, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, nền kinh tế thị trường đã từng bước được hình thành và phát triển ở Việt Nam. Đổi mới tư duy, nhận thức về kinh tế thị trường là điểm nhấn quan trọng, tạo nền tảng xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội đã được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Các yếu tố nền tảng cho sự vận hành của cơ chế thị trường đã hình thành và ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt hệ thống pháp luật kinh tế đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện; quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được đảm bảo; các loại thị trường, đặc biệt các thị trường nhân tố sản xuất đã hình thành và phát triển. Mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế là chất xúc tác quan trọng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi, phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế, thách thức trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam, từ xác định cụ thể, rõ ràng nội hàm nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới đến giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, vấn đề sở hữu và quyền tài sản, phát triển các thị trường nền tảng, nhất là thị trường đất đai, cải cách doanh nghiệp nhà nước và phát triển các khu vực ngoài nhà nước và các vấn đề xã hội, môi trường và sinh thái.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi về những đổi mới nền tảng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam từ Đổi mới đến nay; nhận định về những kết quả đạt được qua hơn 35 năm Đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nhận diện những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua hơn 35 năm chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam. Song hành với đó là những thách thức chủ yếu trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Từ đó, có những quan điểm, định hướng nội dung trọng tâm cải cách và lộ trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Phần slide trình chiếu về báo cáo tại Hội thảo (Ảnh chụp màn hình)

Trình bày kết quả nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam” tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội được định hình ngày càng rõ hơn, ngay trong các chủ trương, định hướng của Đảng. Bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Môi trường kinh doanh cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường vận hành. Hệ thống pháp luật kinh tế liên tục được đổi mới phù hợp với quá trình hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế. Các yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường đã được dần hình thành; sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân được thừa nhận và ngày càng khẳng định trong nền kinh tế. Quy mô nền kinh tế mở rộng, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể. Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước đang phát triển và tham gia nhóm nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu trong những năm gần đây...

Cũng theo TS. Luyến, nhìn lại 35 năm Đổi mới, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, gồm có: Đổi mới tư duy, nhận thức về kinh tế thị trường là điểm nhấn quan trọng để đưa Việt Nam chuyển sang một “nấc thang” mới trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế; Quyết tâm chính trị, kế thừa và phát triển của các thế hệ lãnh đạo qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước để đảm bảo sự nhất quán, xuyên suốt con đường phát triển nền kinh tế Việt Nam; Phát triển sở hữu tư nhân là nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường; thừa nhận và phát triển sở hữu tư nhân, phát triển kinh tế nhiều thành phần để thúc đẩy cạnh tranh thị trường, để cơ chế thị trường vận hành đúng nghĩa hơn; Chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và cơ chế giám sát, đánh giá quyết định mức độ thành công của quá trình chuyển đổi nền kinh tế và Chuyển đổi nền kinh tế phải được tiến hành đồng bộ, nhưng có lộ trình phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

Ông Dennis Quennet, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh phát biểu trực tuyến tại Hội thảo (Ảnh: PV)

Theo các đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, trong thời gian tới cần tập trung vào các nội dung: Tiếp tục đổi mới tư duy và định hình rõ hơn về mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, làm rõ các nội hàm cốt yếu và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng XHCN; Tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; Tập trung cải cách sở hữu và phát triển các lực lượng sản xuất, đặc biệt kinh tế tư nhân; Tập trung phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Đảm bảo cạnh tranh công bằng và có trật tự; và Đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường và sinh thái.

Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Dennis Quennet, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh nhấn mạnh rằng, mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam được hình thành và phát triển trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút từ lý luận và thực tiễn phát triển các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới và yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là tạo ra một mô hình kinh tế thị trường hoàn toàn mới, mà là sử dụng các ưu thế của kinh tế thị trường như một công cụ để phát triển.

Phân tích và bình luận về báo cáo của CIEM, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, cải cách kinh tế gắn liền với tháo gỡ rào cản, trao quyền, thúc đẩy tư nhân phát triển. Theo đó, tới đây, cần tập trung vào các chương trình cải cách về điều kiện kinh doanh năm 2016 và 2018, nâng cấp môi trường kinh doanh, xử lý các vấn đề lớn như: bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, quyền hợp đồng; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; Tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, nhũng nhiễu; Đổi mới cách thức quản lý theo hướng chuyển sang hậu kiểm, quản lý rủi ro; Tính toán đầy đủ chi phí lợi ích của quy định; Thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường: thanh tra, kiểm tra, quản lý bằng rủi ro; Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp có hiệu quả…

Có thể thấy, định hướng XHCN thể hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng để các chủ thể kinh tế thị trường vận động theo hướng đạt được các mục tiêu phát triển, không chỉ mục tiêu kinh tế mà bao hàm các mục tiêu xã hội, môi trường, sinh thái, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn hướng đến thế hệ tương lai./.

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/cong-bo-ket-qua-nghien-cuu-hoan-thien-nen-kinh-te-thi-truong-o-viet-nam-606926.html