Cốm mùa Thu, đặc sản bậc nhất của người Hà thành
Cốm là thứ quà mang trong hương vị tất cả sự đảm đang, cần cù và sáng tạo của người dân làm nông nghiệp.
Vào một mùa Thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm.
Người làng Vòng đành mò mẫm cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói.
Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.
Đặc sản cốm làng Vòng một năm có hai vụ: Vụ mùa và vụ Chiêm. Vụ Chiêm chỉ có cốm vào tháng Tư. Vì đây là trái vụ nên cốm của vụ Chiêm không mấy hấp dẫn.
Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10. Khi ấy là vào mùa Thu, mùa của đất trời Hà Nội.
Cốm mộc cũng phải có màu xanh của mạ già pha ánh vàng mới đúng nguyên chất, còn cốm đã bị hồ qua trông xanh tươi mát mắt nhưng chất lượng pha đắng chẳng còn vị cốm thật.
Cứ mỗi mùa thu đến, lại thấy các bà, các chị làng Vòng quầy đôi gánh xinh xinh, giắt đầy cây lúa non đã tuốt hạt, đi dọc các phố mà rao “Ai cốm đây”, nghe thật quen thuộc.
Còn một thứ được liệt vào hạng sang và gắn liên với tên tuổi của Hà Nội: Bánh cốm phố Hàng Than.
Mình bánh làm bằng cốm Vòng xào với đường và mỡ, thêm nhân bằng đậu xanh giã nhuyễn trộn với đường và ít sợi dừa trắng muốt, gói hình vuông, bọc lá chuối xanh, buộc dây lạt đỏ. Màu lạt như màu những sợi tơ hồng vấn vít xe duyên.
Mâm bánh cốm dẻo ngọt mang ý nghĩa sâu xa về nguồn cội và làm biểu tượng đê chúc cho đôi uyên ương luôn có một cuộc sống hạnh phúc, ngọt ngào.
Cốm không chỉ là một món quà thú vị, thứ quà thanh nhã và tinh khiết ấy rất phù hợp với các việc lễ nghi nên người ta làm cốm để thờ cúng tổ tiên, lễ chùa và dùng trong đám cưới, đám hỏi làm, quà biếu Tết của người Kinh Bắc.
“Hà Nội mùa thu/ Mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về/ Thơm từng cơn gió/ Mùa cốm xanh về/ Thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè/ Thơm bước chân qua…”.