Có nên trì hoãn ngày 'đèn đỏ' trong dịp Tết?

Kỳ nghỉ Tết không chỉ là dịp đoàn viên hay thăm thú họ hàng, nhiều chị em cũng tranh thủ đợt nghỉ dài để đi du lịch. Tuy nhiên, một số người lại có chu kỳ trong thời điểm này. Vậy có nên trì hoãn ngày 'đèn đỏ' và bằng cách nào, có gây hại cho sức khỏe không?

Một số chị em có thể muốn lùi ngày kinh nguyệt vì nhiều lý do - từ các sự kiện và ngày lễ đặc biệt như lễ tết hoặc trong một số tình huống ví dụ như đúng ngày tổ chức hôn lễ hoặc chuẩn bị cho chuyến du lịch xa. Các phương pháp tự nhiên để trì hoãn kinh nguyệt như ăn chanh, uống giấm táo… không được khoa học chứng minh. Trường hợp cần thiết, có thể sử dụng phương pháp nội tiết tố cụ thể để trì hoãn hoặc ngừng chu kỳ kinh nguyệt nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này. Dưới đây là một số thông tin tham khảo để chị em đưa ra quyết định của chính mình.

1. Dùng thuốc trì hoãn kinh nguyệt có tác dụng phụ không?

Khi thực sự cần thiết có thể thực hiện phương pháp lùi ngày kinh nguyệt.

Nếu bạn muốn trì hoãn thời gian này của mình, có một số lựa chọn bạn có thể tìm hiểu như uống thuốc tránh thai liên tiếp hoặc sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt.

Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai cũng có thể uống thuốc trì hoãn kinh nguyệt. Việc điều trị không phù hợp với những người đang dùng một số loại thuốc nhất định hoặc mắc một số tình trạng bệnh lý nhất định. Ví dụ, nếu bạn dùng thuốc này khi đang cho con bú, lượng sữa có thể bị giảm tạm thời. Tốt nhất là gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc dược sĩ để được tư vấn.

Về việc liệu có bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng thuốc trì hoãn kinh nguyệt hay không thì như bất kỳ loại thuốc nào khác, một số người có thể gặp tác dụng phụ trong khi những người khác lại không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào.

Tác dụng phụ của việc dùng thuốc trì hoãn kinh nguyệt có thể bao gồm:

Rong kinh.
Chảy máu bất thường.
Đau vú.
Ham muốn tình dục thấp hơn.
Đau bụng.

Cũng như thuốc trì hoãn kinh nguyệt, uống thuốc tránh thai kết hợp liên tục (và uống bất kỳ loại thuốc tránh thai nào nói chung) có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm:

Cảm thấy ốm (buồn nôn).
Nhức đầu.
Tâm trạng lâng lâng.
Đau vú.

Việc cố ý trì hoãn kinh nguyệt có thể là một chủ đề gây tranh cãi. Không nên tự ý uống thuốc để trì hoãn kỳ kinh mà phải được sự tư vấn cụ thể, kỹ càng của bác sĩ chuyên khoa. Lưu ý dùng thuốc càng lâu thì càng có nhiều khả năng gặp phải tác dụng phụ. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy nói chuyện với dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa.

Kinh nguyệt là một phần tự nhiên của sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

2. Lùi ngày kinh có an toàn không?

Kinh nguyệt xảy ra do sự thay đổi nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt. Những thay đổi này kích hoạt sự rụng trứng (giải phóng trứng vào tử cung) và hình thành lớp niêm mạc tử cung. Nếu trứng này không được thụ tinh bởi tinh trùng thì niêm mạc tử cung sẽ bong ra và rời khỏi cơ thể dưới dạng máu kinh nguyệt.

Thực tế, sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố, việc trì hoãn hoặc ngừng kinh nguyệt không phải là một giải pháp khoa học hoàn hảo. Cơ thể của mỗi người phản ứng khác nhau trước sự thay đổi nội tiết tố và các yếu tố khác (như căng thẳng, thay đổi cân nặng và một số bệnh) có thể gây ra sự thay đổi nồng độ hormone, từ đó có thể gây ra những thay đổi trong chu kỳ.

Kinh nguyệt là một phần tự nhiên của sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Việc làm chậm kinh không nên được thực hiện thường xuyên hoặc dài hạn, vì nó có thể gây rối loạn trong chu kỳ kinh và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Trì hoãn kinh nguyệt thường xuyên có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên của cơ thể, điều này được coi là không bình thường và làm phát sinh các vấn đề khác như kinh nguyệt không đều. Do đó, trước khi có ý định trì hoãn kinh nguyệt, hãy cân nhắc thật kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Ích mẫu - Vị thuốc quý chữa bệnh phụ nữ.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-tri-hoan-ngay-den-do-trong-dip-tet-169240205004929915.htm