Có nên thu học phí cao trường công lập?
Việc Bộ GD&ĐT đề xuất thí điểm tăng học phí ở một số trường công lập tại TP.HCM đang gây khá nhiều tranh cãi.
Theo thông tin từ báo chí, trong buổi làm việc với Thành ủy, UBND TP.HCM ngày 25/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu TP.HCM cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong giáo dục, thực hiện bình đẳng trong hệ thống công và tư.
Đặc biệt, “Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương”, Bộ trưởng cho biết.
Khách quan mà nói, để đầu tư cơ sở vật chất tại các trường phổ thông, cũng như nâng cao chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên nhằm hướng đến cải thiện chất lượng giáo dục, thì việc tăng học phí vẫn là một giải pháp khả dĩ.
Tuy nhiên, việc tăng học phí tại các trường công cần phải có đề án, lộ trình và sự nghiên cứu cẩn trọng. Bởi đây là giải pháp giản đơn cho những nhà quản lý giáo dục, cho các trường học, nhưng lại là gánh nặng rất lớn đối với người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp.
Đối với TP.HCM, tuy đây là địa phương có tốc độ phát triển nhanh và đóng góp vào ngân sách cao nhất trong cả nước, nhưng địa phương này cũng còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, nhất là bộ phận dân nhập cư.
Đặc biệt, trong 2 năm bị dịch Covid-19 hoành hành, ai cũng biết TP.HCM là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất. Với tình cảnh hiện tại, nếu tăng học phí ở các trường công lập như đề xuất của Bộ GD&ĐT, cũng đồng nghĩa với việc sẽ tước mất đi cơ hội học tập của không ít trẻ em nghèo nơi đây.
Ở các nước có nền giáo dục phát triển, người ta luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em có thể học tập tại các trường công lập.
Nhiều quốc gia thực hiện chính sách miễn hoàn toàn học phí trường công lập từ bậc học mầm non đến phổ thông, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân và đảm bảo quyền được học cho mỗi trẻ em.
Điều này hoàn toàn phù hợp bởi trường công lập luôn được Nhà nước đầu tư mọi thứ, từ việc cấp miễn phí đất đai để xây cất cơ sở; đầu tư vật chất, trang thiết bị; chi trả tiền lương cho đội ngũ giáo viên, nhân viên…
Tất cả những nguồn đầu tư này thực chất là do sự đóng góp của toàn dân, qua việc đóng thuế vào ngân sách Nhà nước.
Do vậy, nếu trường công lập nâng học phí lên cao chỉ để phục vụ cho những học sinh khá giả, nhất định sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.
Từ trước đến nay, giáo dục luôn là một lĩnh vực được cả xã hội quan tâm sâu sắc. Người dân cả nước cũng luôn kỳ vọng về những đổi mới mang tính căn bản, nhằm cải thiện chất lượng giáo dục.
Thiết nghĩ, trước mắt Bộ GD&ĐT cần xây dựng một triết lý giáo dục rõ ràng. Từng bước đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục cho phù hợp; ban hành chế tài cụ thể và triệt để dẹp bỏ những tiêu cực trong giáo dục, nhất là “bệnh thành tích”, sự gian lận trong học tập, thi cử.
Đó là những việc mà ngành giáo dục nên làm lúc này.
Phát triển giáo dục cần phải tính đến những giải pháp “sâu rễ bền gốc”, phải xây dựng, kiện toàn từ bên trong bộ máy giáo dục.
Việc tăng học phí không nên được xem là một giải pháp tối ưu. Chẳng qua đó là cách các nhà giáo dục đẩy khó khăn về phía người dân mà thôi.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-nen-thu-hoc-phi-cao-truong-cong-lap-d551406.html