'Cơ hội vàng' giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển kéo dài suốt cuộc đời khiến người mắc chứng tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, người tự kỷ sẽ có khả năng phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cộng đồng, phát triển các năng lực nổi trội và đóng góp cho xã hội.

Những năm gần đây, bệnh tự kỷ có chiều hướng gia tăng, song do kiến thức về bệnh tự kỷ của cộng đồng còn hạn chế, vì vậy còn những trẻ có bệnh mà không được quan tâm, phát hiện. Có những cha mẹ đã phát hiện con mắc bệnh nhưng chủ quan, giấu bệnh, không đưa con đến bệnh viện để được điều trị sớm. Có cha mẹ do hoàn cảnh khó khăn, bận lao động, công tác hoặc thiếu kiên nhẫn, buông xuôi dẫn đến việc điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ mắc bệnh không được tập trung, liền mạch, không bảo đảm lộ trình nên hiệu quả điều trị không cao, phải kéo dài mất nhiều thời gian, công sức của cả gia đình và bác sỹ.

|
Điều trị cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen.

Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen là đơn vị duy nhất của ngành Y tế tỉnh thực hiện đầy đủ các bước từ khám, phát hiện, tư vấn đến can thiệp điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ. Hàng ngày, bệnh viện tiếp nhận và điều trị từ 30 - 50 bệnh nhân mắc hội chứng tự kỷ, đa số có độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi. Ngoài tiếp nhận, điều trị cho các cháu, các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên bệnh viện còn tích cực hướng dẫn, tư vấn, phổ biến kiến thức, phương pháp điều trị để người nhà bệnh nhân hiểu, phối hợp cùng bác sĩ nâng cao hiệu quả điều trị.

Bác sỹ Âu Thị Tuyên, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Khuyết tật khác, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen cho biết, tự kỷ là một tình trạng khiếm khuyết phức tạp về các khả năng phát triển của não bộ, tiến triển trong ba năm đầu đời của trẻ. Chứng tự kỷ làm cho trẻ mất khả năng giao tiếp, nhất là về phương diện ngôn ngữ và có thể gây tổn thương cho chính bản thân vì các hành động tự gây hại và quậy phá. Có 5 dấu hiệu báo động trẻ tự kỷ: Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng tuổi; không biết nói từ đơn khi 16 tháng tuổi; không biết đáp lại khi được gọi tên; không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng tuổi; mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi. “Cơ hội vàng” để phát hiện và trị liệu cho trẻ tự kỷ là giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi. Đây là thời điểm chẩn đoán rõ nhất, điều trị hiệu quả nhất. Tuy nhiên, một số trẻ tự kỷ phát hiện khá muộn (tức là trẻ sau 3 tuổi) gây khó khăn cho việc điều trị cũng như hiệu quả điều trị.

Chị Nguyễn Thị N, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) là một trong những người kiên trì đưa con trai đến điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen nói, khi con chị được 20 tháng thì gia đình thấy cháu chậm nói. Khi nói chuyện thì cháu không có phản xạ tiếp nhận thông tin, không giao tiếp mắt với mọi người... Thấy con có nhiều biểu hiện lạ, vợ chồng chị đã đưa con đi khám ở nhiều cơ sở y tế và được bác sỹ kết luận con trai chị mắc hội chứng tự kỷ. Ban đầu, gia đình đều bàng hoàng, lo lắng, không hiểu chứng bệnh này là gì, có chữa được không… Được các bác sỹ tư vấn, chị hiểu cần phải cho con đi điều trị bệnh sớm để con có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Đến nay, mới qua hơn 3 đợt điều trị, cháu đã giao tiếp mắt tốt hơn, nói được từ đơn, bắt chước được các cử chỉ, hành động, gần gũi với mọi người hơn...

Trẻ tự kỷ càng được can thiệp sớm và đúng cách thì khả năng hòa nhập của trẻ càng nhanh, hiệu quả. Việc can thiệp, trị liệu ấy là một quá trình lâu dài, không có hạn định về thời gian. Vì vậy, cha mẹ phải quyết tâm, kiên trì, tin tưởng, yêu thương và trở thành “điểm tựa” vững chắc nhất cho trẻ tự kỷ trong hành trình giúp con hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: Dương Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/co-hoi-vang-giup-tre-tu-ky-hoa-nhap-cong-dong-130595.html