Cơ hội tăng tốc bứt phá cho các startup Việt Nam trong 6 lĩnh vực
Các startup Việt trong lĩnh vực: giáo dục, sức khỏe, nông nghiệp, bán lẻ, công nghệ tài chính và đô thị thông minh sẽ có cơ hội nhận được hỗ trợ đào tạo và mạng lưới cố vấn chuyên sâu hướng đến mục tiêu tăng tốc phát triển doanh nghiệp; thiết lập mạng lưới và tiếp cận nguồn lực để mở rộng trên quy mô toàn cầu...
Ngày 11/7/2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam và Google đã giới thiệu, công bố Chương trình: “Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới” nhằm thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.
Đây là chương trình dành cho các startups tại Đông Nam Á nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo và mạng lưới cố vấn chuyên sâu dành cho các startups Việt hướng đến mục tiêu tăng tốc phát triển doanh nghiệp.
Chương trình kéo dài 3 tháng, mở đầu bằng đào tạo trực tiếp trong 5 ngày, sau đó là 5 hội thảo trực tuyến trong thời gian tới ngày tốt nghiệp và Demo Day. Các startups tham dự khóa đào tạo sẽ trải qua những phiên cố vấn với các chuyên gia từ Google và trong các ngành.
Chương trình sẽ đào tạo 6 ngành nghề chính tập trung chuyên sâu, phù hợp với các lĩnh vực phát triển cốt lõi của quốc gia gồm: giáo dục, sức khỏe, nông nghiệp, bán lẻ, công nghệ tài chính và đô thị thông minh.
Đại diện chương trình cho biết sẽ có 20 startups được lựa chọn tham gia vào các phiên đào tạo, cố vấn trực tiếp một kèm một, cố vấn theo nhóm và các hội thảo. Những startups được chọn sẽ được tham gia vào mạng lưới Google for Startups toàn cầu với hơn 1.000 doanh nghiệp đã tham gia sáng kiến này từ nhiều khu vực. Điều này được kỳ vọng sẽ mang đến cho các startups Việt Nam cơ hội tiếp xúc, thiết lập mạng lưới và tiếp cận nguồn lực để mở rộng trên quy mô toàn cầu.
Ngoài ra, để đảm bảo nhiều startups có thể hưởng lợi từ nội dung chương trình, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Google sẽ đồng thiết kế những hội thảo tập huấn trực tuyến cho 200 startups trên toàn quốc.
Còn ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, Chương trình Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới minh chứng cho cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như cam kết của Google trong việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các thị trường mới nổi.
Bằng việc cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp các nguồn lực cần thiết để phát triển và thành công, hai bên đang góp phần đào tạo, phát triển một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân đổi mới sáng tạo kế cận, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời đủ sức vươn ra nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ trở thành một phần của cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có cùng chí hướng, có cơ hội kết nối, cộng tác và học hỏi lẫn nhau.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng, sau khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam sẽ nắm rõ ưu khuyết điểm, học hỏi từ những kinh nghiệm của người đi trước; từ đó, hạn chế được một số sai lầm, giảm thiểu rủi ro, ổn định và phát triển doanh nghiệp hiệu quả, đưa những ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiến xa hơn, bền vững hơn.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Theo các báo cáo thường niên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Do Ventures và StartupBlink, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Theo Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á năm 2022, Việt Nam đang nổi lên trở thành trung tâm khởi nghiệp của khu vực khi nền kinh tế Internet quốc gia được dự đoán sẽ đạt mức 50 tỷ USD vào năm 2025 (tăng trưởng nhanh nhất khu vực). Ngoài ra, Việt Nam hiện có 4 công ty kỳ lân công nghệ (tính đến 2023) và hơn 3.400 startups.