Có hay không những 'khoảng tối' đằng sau câu chuyện xuất khẩu gạo?
Việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua có nhiều vấn đề nổi cộm, khiến dư luận đồn đoán đằng sau đó có những 'nhóm lợi ích'.
Xung quanh việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua có nhiều vấn đề khiến dư luận hết sức quan tâm. Ảnh minh họa
1. Câu chuyện xuất khẩu gạo thời gian qua không còn yên bình, bằng phẳng mà bỗng trở nên “loạn nhịp”. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì đã phải kêu cứu, người nông dân thì lo lắng còn dư luận thì chóng mặt trước cách điều hành giật cục, thậm chí gây sốc của các cơ quan quản lý.
Một lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo đưa ra con số, hiện có khoảng 300.000 tấn gạo nằm ở cảng chờ xuất khẩu đã bị ách lại từ ngày 24/3, dẫn đến doanh nghiệp thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng/ngày cho các chi phí, chưa kể chất lượng gạo bị xuống cấp, bị đối tác nước ngoài hủy hợp đồng, đòi bồi thường do chậm giao hàng.
Sau đó, dù cho đã được phép xuất khẩu trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp cũng chưa giải tỏa hết gánh nặng bởi số lượng gạo được phép xuất khẩu vẫn thấp hơn nhiều so với số lượng gạo đã đưa đến cảng.
Khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó khi bỗng dưng nhiều thủ tục lại được “đẻ” ra. Theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp xuất khẩu gạo không cần đăng ký với Hiệp hội Lương thực Việt Nam hay với Bộ Công Thương, doanh nghiệp chỉ cần làm tờ khai tại cơ quan hải quan là có thể xuất khẩu gạo… Nhưng bây giờ, mặt hàng gạo bỗng dưng được hải quan xếp vào "luồng đỏ", nghĩa là toàn bộ lô hàng đều phải được đưa vào cân, mở container kiểm tra gạo, đảo gạo… Do đó, tiến độ thông quan bị kéo dài, chi phí phát sinh gần 2 triệu đồng/container.
2. Sau khi Thủ tướng cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4, lúc 0 giờ ngày Chủ nhật, 12/4, cơ quan hải quan đã bất ngờ mở hệ thống đăng ký tờ khai. Chỉ trong vòng vài giờ, số lượng khai báo thành công là 399.989 tấn gạo. Đến sáng 12/4, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưng hửng vì đã cho người “canh” để mở tờ khai cả buổi tối hôm trước nhưng vẫn không kịp.
Mặc dù lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã lên tiếng rằng việc khai báo là hoàn toàn tự động trên hệ thống, con người không thể can thiệp. Nhưng điều đó khó có thể thuyết phục dư luận tin được rằng, đằng sau việc này không có tiêu cực, bởi trước đó, cơ quan Hải quan không hề thông báo sẽ cho mở tờ khai vào lúc 0 giờ sáng 12/4. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống nhưng không được giải thích rõ lý do.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng cục Hải quan cho rằng, Bộ Tài chính đã nhiều lần tham vấn ý kiến với Bộ Công Thương nhưng không được tiếp thu. Cụ thể ngày 3/4, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6 để bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia. Ngày 10/4, Bộ Tài chính lại có công văn đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã trúng thầu và phải ký hợp đồng giao hàng xong và chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6. Vậy nhưng, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công Thương tiếp thu.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, loại gạo tẻ thường mà Bộ Tài chính đề nghị cấm xuất khẩu tới ngày 15/6 là gạo IR50404, mục đích là để cơ quan dự trữ quốc gia mua vào.
Lên tiếng về việc này, một lãnh đạo Bộ Công Thương lý giải diện tích xuống giống lúa IR50404 năm nay rất ít, chỉ 12 - 13% tổng diện tích. Do đó, nếu chỉ cấm xuất khẩu với loại gạo này, thì đa số gạo vẫn được xuất khẩu, tức là có thể đe dọa tới an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tư duy cấm để ép dân phải bán giá rẻ cho dự trữ là "không thể chấp nhận".
Mặt khác, nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Tài chính thì toàn bộ gạo xuất khẩu sẽ phải trưng cầu giám định để đảm bảo gạo xuất đi không phải là gạo thẻ thường IR50404. Như vậy có nguy cơ phát sinh chi phí, gây gánh nặng cho doanh nghiệp. Vấn đề này Bộ Công Thương cũng nêu ra trong bản giải trình ngày 6/4 gửi Thủ tướng Chính phủ.
3. TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, an ninh lương thực được đảm bảo chủ yếu không phải bằng các biện pháp giới hạn xuất khẩu mà phải bằng thúc đẩy sản xuất. Càng mở cửa xuất khẩu gạo thì nông dân càng gia tăng sản xuất, giá gạo càng ổn định, đời sống nông dân càng được nâng cao, kể cả người nghèo... Càng xuất khẩu gạo tốt thì sản xuất lương thực càng tăng lên.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua, có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý rằng, việc xuất khẩu gạo diễn ra bình thường theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, dư luận tin rằng, việc có hay không những “khoảng tối” đằng sau câu chuyện xuất khẩu gạo mà dư luận âm ỉ đồn đoán lâu nay sẽ sớm được sáng tỏ.