Cơ chế nào để phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà hiệu quả?

Phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đang được dư luận quan tâm về cơ chế đấu nối chỉ là 0 đồng. Song đó là lộ trình được lý giải để đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định.

Dễ phát triển ồ ạt

Hiện, Bộ Công Thương đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Tại Dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.

Nhiều ý kiến đóng góp để phát triển điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Khắc Kiên

Tuy nhiên, đề xuất này gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất đang đi ngược xu hướng thị trường và sẽ khó thu hút người dân tham gia, gây lãng phí nguồn điện.

Dự thảo Nghị định quy định về phát triển điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Đối tượng áp dụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu, gồm, nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Các trường hợp không thuộc đối tượng là điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung, tự cấp cho nhu cầu, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Cơ chế giá đấu nối điện mặt trời mái nhà đang theo lộ trình. Ảnh: Khắc Kiên

Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản…

Lý giải vì sao giá 0 đồng, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần đặt ngược lại nếu cho phép phát điện điện mặt trời mái nhà được mua bán điện sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện.

Khi tình huống này xảy ra, điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết, khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện.

"Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Do vậy, những nhà đầu tư điện chạy nền (điện than, điện khí, thủy điện…) có chịu hi sinh lợi ích đang có" - ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Với tính toán hệ thống điện hiện nay, ông Nguyễn Hồng Diên bày tỏ trong phạm vi của nghị định này thì thời điểm này ghi nhận sản lượng giá 0 đồng, nên mong muốn nhà đầu tư hiểu rõ mục tiêu, còn thời điểm khác sẽ có tính toán hợp lý.

Có lộ trình áp dụng

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn đồng tình với Bộ Công Thương về quy định "ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng" khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu bán điện vào lưới.

Điện mặt trời mái nhà sẽ góp phần vào cung cấp điện ổn định. Ảnh: Khắc Kiên

Đây là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng. Tuy nhiên, Nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng, nên chăng chỉ ở giai đoạn 3 năm từ 2024 - 2027. Sau năm 2027, cần có cơ chế giá khác trong bối cảnh đang rất cần bổ sung thêm nguồn điện - điện mặt trời mái nhà là nguồn điện có thể triển khai nhanh.

"Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận sản lượng giá 0 đồng nhưng bán lại theo giá bán điện hiện hành. Giá trị ghi nhận này, trước mắt, có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện. Song cần có những giải thích rõ ràng để tránh suy diễn về chính sách" - vị này nói.

Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, cần có cách để xử lý sản lượng điện ghi nhận lên hệ thống nhưng không thanh toán tiền điện. Đây là tài sản phát sinh, EVN phải đảm bảo các quy định tài chính của Bộ Tài chính. Ông cũng kiến nghị bổ sung thêm quy định công suất tối đa các nhà máy điện mặt trời được đấu nối vào một tuyến dây, để đảm bảo an toàn cung cấp điện.

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế đưa ra giải pháp, nên tăng cơ chế thị trường, giảm thiểu xung đột lợi ích và tăng đồng thuận xã hội trong chính sách này, bao gồm không cho phép bán điện thừa cho người khác vì nằm trong cơ chế mua bán điện trực tiếp, được Quy hoạch Điện VIII bảo hộ trong pháp lý.

PGS Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng trường cơ khí Đại học Bách Khoa dẫn chứng, Nhật Bản mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo. Đến nay, tổng công suất của năng lượng tái tạo quốc gia này trong lưới điện mới dao động trong khoảng 30 - 40%. Nhưng Việt Nam chỉ trong vòng có 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%. Một áp lực lớn lên lưới điện quốc gia và EVN khó điều độ được.

"Chưa kể chi phí để bảo trì, bảo dưỡng, chúng ta không thể đưa đấu nối ở các dự án ngoài quy hoạch, bởi sẽ làm cho hệ thống lưới điện không ổn và cực kỳ nguy hiểm cho an toàn lưới điện quốc gia" - PGS Nguyễn Việt Dũng nói.

Trước những ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định sự cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu bởi mấy lý do.

Thứ nhất, để khai thác và phát huy được tiềm năng tự nhiên, có cơ hội bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm

Thứ hai, là giảm áp lực đầu tư từ Nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.

Thứ ba, là thông qua việc khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ đáp ứng được mục tiêu trong tương lai đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và còn nhiều lợi ích khác.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-che-nao-de-phat-trien-su-dung-dien-mat-troi-mai-nha-hieu-qua.html