Chuyện về nữ giám đốc 'tí hon'…
Chiều cao chỉ bằng đứa trẻ lên 5, nhưng với nghị lực phi thường, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (39 tuổi, quê Thanh Hóa) đã vượt lên số phận, trở thành giám đốc doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Luôn mỉm cười, tự tin và yêu đời, chị đã truyền cảm hứng sống cho rất nhiều người, đặc biệt là những số phận không may mắn, người khuyết tật.
Chiến thắng chính mình
Nguyễn Thị Thu Hiền bị khuyết tật bẩm sinh từ bé, cơ thể còi xương biến dạng và lùn tuyến yên nên chiều cao không phát triển. Vì thế, hơn 30 năm qua, chiều cao của chị vẫn chỉ dừng lại ở con số 88cm. Thân hình nhỏ bé, đi lại khó khăn, chân tay mềm nhũn, những tưởng Hiền sẽ không thể đi học như các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, chị vẫn cố gắng thuyết phục bố mẹ cho đi học. Với khao khát đó, năm 8 tuổi, Thu Hiền trở thành học sinh lớp Một.
Bằng chính đôi chân yếu ớt của mình, Nguyễn Thị Thu Hiền đã làm nên kỳ tích cho chính mình, đó là liên tục học hết cấp 1 rồi đến cấp 2, lên cấp 3 và vào đại học. Với Hiền, đam mê lớn nhất chính là việc học, bởi chỉ có học thì mới có cơ hội làm việc, sống bằng chính năng lực của mình để khẳng định người khuyết tật vẫn có thể cống hiến như những người bình thường khác.
Hiền chia sẻ: “Tôi thấy hạnh phúc vì đã biến ước mơ thành sự thật. Được đi học đã là một hạnh phúc, chính vì vậy mà tôi chưa lúc nào nghĩ đến việc bỏ học, sự học với tôi luôn được đặt lên hàng đầu. Tôi là người khuyết tật và tôi không thể cho phép mình ỷ lại vào cái sự khiếm khuyết đó, nghĩa là không bao giờ được nghĩ đã khuyết tật thì không làm được gì. Và tôi đã đứng lên...”.
Cô gái nhỏ tự đặt ra động lực cho chính mình, rằng: “Người bình thường làm được điều gì thì mình cũng phải cố gắng làm được, cho dù thời gian có thể gấp hai, ba lần”, từ đó Thu Hiền xuất sắc hoàn thành 12 năm học phổ thông và luôn là học sinh khá, giỏi, đạt được nhiều danh hiệu trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố và tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, chị tốt nghiệp cao đẳng kế toán doanh nghiệp sản xuất của Trường đại học Lao động Xã hội Hà Nội liên kết tại Thanh Hóa năm 2004 và đại học tài chính kế toán của Trường đại học Vinh năm 2009.
Cũng theo chia sẻ của Hiền, khó khăn nhất đó chính là bản thân phải vượt qua chính mình, nghĩa là vượt qua những khó khăn mà mình gặp phải trong cuộc sống như sự tự ti, mặc cảm, định kiến xã hội về người khuyết tật. Hay nói cách khác, phải tự đặt ra những mục tiêu cụ thể trong cuộc sống, trong đó mục tiêu lớn nhất chính là chiến thắng bản thân mình.
“Tôi luôn nghĩ, trong cuộc đời có những nỗi đau mà ta phải tự mình kết thúc, có những giọt nước mắt phải tự mình lau khô, có những nụ cười ta phải tạo nên hoặc tự tìm kiếm. Mỗi chúng ta chỉ được sinh ra một lần duy nhất trên đời, nếu cứ nghĩ đến khuyết tật mà quên phấn đấu, luôn mặc cảm với bản thân, thiếu tự tin và luôn oán trách số phận thì sẽ chẳng bao giờ học và làm được bất cứ việc gì”, Hiền trải lòng.
Với ý nghĩ đó, một năm sau tốt nghiệp (năm 2010), chị đã thành lập doanh nghiệp có tên: Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và dịch vụ thương mại Suri (có địa chỉ tại số 39, Đội Cung, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa), chuyên sản xuất bàn, ghế đá Granito cung cấp cho các công viên, trường học, bệnh viện... Từ đây, cô gái trẻ với dáng người tí hon luôn cần mẫn làm việc và trở thành nữ giám đốc doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương.
Từng bước khẳng định bản thân
Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, Hiền Suri đã tham gia tổ chức BNI (Tổ chức kết nối thương mại toàn cầu dành cho 60 giám đốc, chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa). Thông qua tổ chức này, mọi người có thể giới thiệu khách hàng và bán hàng chéo cho nhau. Cùng với việc quảng cáo trên các mạng xã hội, thì sản phẩm bàn, ghế đá Granito của Hiền suri đã được nhiều người biết đến hơn và bán nhanh hơn ở khắp các huyện, thị trong tỉnh. Hiện, công ty của chị đang tạo việc làm cho gần 10 lao động với mức lương từ 5,5 đến 6,4 triệu đồng/người/tháng.
Để tăng thêm nguồn thu, năm 2011, chị Hiền đã mở dịch vụ kinh doanh Billiards Snocker – Coffee, cho dù nhiều người trong gia đình không đồng ý vì sợ sẽ có nhiều phức tạp, dù vậy chị vẫn quyết tâm làm. Với chị, đây là một môn thể thao giải trí lành mạnh và nếu biết cách tổ chức sẽ thu hút được rất nhiều người tham gia. Sau 7 năm Billiards Snocker - Coffee ra đời, chị đã tổ chức được 3 mùa giải cho những người chơi Billiards nghiệp dư và có những phần thưởng giá trị cho người đạt giải. Đây là điều hiếm hoi mà không phải người chủ kinh doanh Billiards Snocker nào ở Thanh Hóa cũng làm được.
Không chỉ làm tốt phần kinh doanh, chị còn tích cực tham gia các công tác xã hội, sinh hoạt trong các tổ chức của người khuyết tật như: Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, Thường vụ Liên chi Hội Người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thanh niên - Sinh viên khuyết tật Thanh Hóa…
Với vai trò là người truyền cảm hứng, chị đã truyền tải thông điệp “Sống đẹp, sống có ích” cho rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn có hoàn cảnh kém may mắn, bạn khuyết tật. Chị cho biết: “Nhiều người khuyết tật đang còn mặc cảm và ngại tiếp xúc với người xung quanh. Trong Câu lạc bộ của chúng tôi, luôn có những người như thế. Có người chưa dám bước chân ra khỏi cửa, chưa bao giờ biết đến sinh nhật của mình... Nhưng sau khi được động viên, chia sẻ, họ đã mạnh dạn tham gia câu lạc bộ và đã tự tin hơn. Có người giờ đi gom quần áo cũ về giặt là cẩn thận rồi đóng gói để đi làm từ thiện... Chúng tôi về với nhau để hòa nhập và để nhân lên việc tốt...”
Không ngại đứng trước đám đông, không tự ti, mặc cảm, đó chính là phương châm sống của chị Nguyễn Thị Thu Hiền. Với nụ cười luôn trên môi, vẻ mặt rạng rỡ, chị mang trong mình nhiều hoài bão, khát vọng, dám nghĩ, dám làm để chinh phục đến tận cùng ước mơ. Chị luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào, các lớp học về kỹ năng sống, về thuyết trình, các cuộc thi dành cho người khuyết tật... Mới đây nhất, chị cũng đã là một trong những khách mời truyền cảm hứng tại Diễn đàn “Truyền cảm hứng Phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tháng 10/2020. Chị cứ làm việc và cứ sống một cách tích cực như thế, như chưa bao giờ là người khuyết tật, không nhận mình là người khuyết tật.
Bằng những nỗ lực không ngừng, chị vinh dự được nhận nhiều giải thưởng, khen thưởng. Trong đó có thể kể đến như: Năm 2014, đạt giải đặc biệt (giải thưởng cao nhất) tại cuộc thi viết “Chuyện quanh tôi/ câu chuyện nhỏ của tôi” do Đại sứ quán Hoa Kỳ và Ban IDEA-HN tổ chức và được Đại sứ quán Hoa Kỳ vinh danh tại Viện bảo tàng phụ nữ Việt Nam; tháng 3/2017, được tôn vinh là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen trong chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam”; tháng 12/2017, nhận Giải thưởng Kova trong hạng mục: “Sống đẹp”. /.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-ve-nu-giam-doc-ti-hon-116187.html