Chuyện những người trở về từ 'địa ngục trần gian': (Kỳ 1): Những ngày tháng bất khuất

Từ thắng lợi Hiệp định Paris 1973, hàng nghìn chiến sĩ cách mạng trên cả nước, trong đó có hàng trăm người con ưu tú của quê hương Ninh Bình bị địch bắt, tù đày đã được trở về trong vòng tay yêu thương của Đảng, của quân đội và của quê hương yêu dấu. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số cựu chiến binh của tỉnh, là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Trại giam tù binh Phú Quốc-Trại giam lớn nhất của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, nơi được coi là 'địa ngục trần gian'. Hơn 50 năm đã trôi qua, song những năm tháng sống, chiến đấu trước sự tra tấn dã man của kẻ địch vẫn còn hằn sâu trong ký ức của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Ông Đinh Duy Điệp và các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ninh Bình kể về những năm tháng bị giam cầm tại Trại giam tù binh Phú Quốc.

Ông Đinh Duy Điệp và các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ninh Bình kể về những năm tháng bị giam cầm tại Trại giam tù binh Phú Quốc.

Những cực hình tàn khốc

Trong căn nhà nhỏ ở phố Ngô Quyền, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình), ông Đinh Duy Điệp, Trưởng Ban Liên lạc Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ninh Bình trầm ngâm hồi tưởng ký ức, rồi chậm rãi kể cho chúng tôi nghe quãng thời gian bị địch bắt tù đày tại Trạm giam tù binh Phú Quốc hơn 50 năm về trước. Với ông Điệp-nhân chứng sống khi trực tiếp bị và chứng kiến đồng đội phải chịu biết bao sự tàn bạo, dã man, thảm khốc thì đó là miền ký ức thấm đượm bi tráng, không bao giờ quên…

Năm 1963, với thành tích học tập xuất sắc, cùng sự năng nổ trong công tác Đoàn, ông Điệp vinh dự được kết nạp Đảng tại trường cấp 3 khi mới hơn 20 tuổi. Từng có cơ hội được cử đi học tập tại Liên Xô, nhưng trước sự lâm nguy của đất nước, với lòng yêu nước nồng nàn, trách nhiệm của tuổi trẻ, ông Điệp quyết định viết đơn đơn tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam (năm 1964). Năm 1966, trong một lần áp tải thương binh về nơi dưỡng thương, ông và các đồng đội bị địch truy kích và bị bắt. Gần một năm sau đó (năm 1967), ông bị đày ra Trại giam tù binh Phú Quốc (Thung lũng An Thới-tỉnh Kiên Giang).

Ông Đinh Duy Điệp cho biết: Trại giam tù binh Phú Quốc đặt dưới quyền cai quản của Bộ Quốc phòng Ngụy quyền Sài Gòn, có 12 khu giam. Dưới khu giam là các phân khu và dưới phân khu là các phòng giam, tổng có 432 phòng giam (mỗi phòng giam giữ trên, dưới 100 người). Ngoài 432 phòng giam, trại giam còn có nhiều biệt giam và chuồng cọp. Toàn bộ các nhà giam đều được xây dựng chắc chắn với tôn thiếc và xi măng, dây kẽm gai chằng chịt nhiều lớp, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài.

Người ta gọi Trại giam tù binh Phú Quốc là "địa ngục trần gian", bởi lẽ, tại đây, quân địch đã sử dụng hơn 40 kiểu tra tấn, áp dụng cả những kiểu tra tấn của thời trung cổ đối với tù binh như: luộc người trong chảo nước sôi; nướng người trên lửa; đục, tháo xương; đóng đinh vào người; đun sôi nước xà phòng đổ vào mồm; cho tù binh vào bao tải dùng than hồng hoặc nước đun sôi dội lên người; dùng kim đâm vào các đầu ngón tay rồi đốt trên lửa… Chúng còn chôn sống tù binh, chôn lẻ một người và chôn tập thể nhiều người; có khi chúng xả súng thẳng vào Trại giam giết chết nhiều người...

Gần 6 năm (10/1967-2/1973) bị giam cầm tại Trại giam tù binh Phú Quốc, ông Điệp có tới 5 lần bị địch tra tấn dã man (2 lần nhốt vào chuồng cọp và 3 lần nhốt vào phòng biệt giam). Ông Điệp nhớ lại: Suốt thời gian bị nhốt trong chuồng cọp, nhốt biệt giam, tôi và các tù binh không được tắm rửa, đánh răng, rửa mặt; vệ sinh tại chỗ và luôn bị bọn giám thị, lính quân cảnh đánh đập dã man. Do thiếu ăn, thiếu uống, bẩn thỉu lại bị đánh đập nên nhiều người không chịu được mà chết… Nhắc đến Trại giam tù binh Phú Quốc, đối với ông Điệp và với những chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày tại đây là nhắc về nỗi đau kinh hoàng và bất tận.

Ông Trần Thanh Chương, ở thôn Lạc 1, xã Lạc Vân (Nho Quan)-một trong những nhân chứng sống, từng bị địch bắt tù đày tại Trại giam tù binh Phú Quốc cho biết: Mặc dù Ngụy quyền Sài Gòn đã tham gia Công ước quốc tế Giơ-ne-vơ năm 1949 về đối xử với tù binh trong chiến tranh, nhưng chúng không thực hiện. Chúng không công nhận chúng tôi là "Tù binh", mà gọi chúng tôi là "Tù phiến cộng" và thẳng tay tra tấn, đánh đập, ép chúng tôi phải phản bội cách mạng.

Hàng ngày, giám thị, lính quân cảnh và bọn trật tự luôn gây sự để đánh đập tù binh. Chúng đánh các tù binh ở mọi nơi, mọi lúc, đánh lẻ từng người, đánh một tốp người, một phòng giam và đánh cả một phân khu giam có hàng nghìn người. Khi đàn áp một phân khu giam, địch cho một Đại đội quân cảnh có trang bị phòng độc cùng bọn trật tự tràn vào các phòng giam đánh đập tù binh rất dã man. Sau trận đánh phủ đầu, chúng dồn tù binh ra sân điểm danh, chia nhỏ từng tốp rồi đánh đập, ép phải "Tân sinh hoạt" (phải chiêu hồi nghe theo lý tưởng của chúng).

"Ở nhà tù Phú Quốc, bọn cai ngục có thể nghĩ ra bất kỳ hình thức nào dã man nhất, độc ác nhất, bỉ ổi nhất để thỏa mãn "cơn khát máu" của chúng. Tôi nhớ có lần sau khi sử dụng các biện pháp chiêu hồi không được, bọn địch đã dùng roi đuôi cá đuối đánh đập liên tiếp vào các khớp tay, khớp chân, rồi sử dụng cực hình tuốt móng tay tôi. Kinh khủng nhất là bọn chúng đã 2 lần nhốt tôi vào chuồng cọp (chiều dài 2m, chiều rộng và chiều cao khoảng 0,5m, xung quanh là dây thép gai, người tù chỉ cần nhúc nhích, thay đổi tư thế là bị kẽm gai đâm vào cơ thể). Khi bị nhốt vào chuồng cọp, chúng tôi chỉ được mặc một chiếc quần cụt để phơi nắng, mưa. Trong suốt thời gian bị nhốt trong chuồng cọp, bọn chúng chỉ cho tù binh ăn mỗi ngày 2 vắt cơm to hơn quả trứng vịt, không muối, không thức ăn. Do vậy mà tôi và tất cả tù binh bị nhốt trong chuồng cọp đều ghẻ lở, chân tay khô đen, tê liệt, các vết thương thì mưng mủ, cứ chảy nước vàng"- ông Chương nhớ lại.

Với hơn 40 kiểu tra tấn dã man của địch, Trại giam tù binh Phú Quốc cũng chính là nơi thử thách lòng kiên trì, sự quyết tâm, ý chí bền gan của những người chiến sĩ cộng sản.

Sức mạnh của ý chí và niềm tin

Mặc dù kẻ địch dùng các thủ đoạn tàn bạo, thâm độc để tra tấn, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần nhằm bắt những người tù cộng sản phải khoanh tay, cúi đầu, song những người cộng sản, với niềm tin vào lý tưởng cách mạng, tình đồng chí, đồng đội, họ đã bền gan, vững chí, chiến đấu và lập nên những kỳ tích giữa chốn "địa ngục trần gian".

Ông Đinh Duy Điệp chia sẻ: Ở Trại giam tù binh Phú Quốc, ngoài việc canh phòng nghiêm ngặt không cho tù binh thoát ngục, Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn đã thực hiện một âm mưu vô cùng thâm độc, đó là đàn áp dã man kết hợp với mua chuộc, dụ dỗ các tù binh vào khu "Tân sinh hoạt" (thực chất là ép các chiến sĩ phải chiêu hồi, phản bội lại lý tưởng cách mạng). Để thực hiện âm mưu này, bọn cai ngục đã gọi các tù binh là "Tù phiến cộng" và thẳng tay tra tấn, đánh đập, ép các chiến sĩ phải vào khu "Tân sinh hoạt", cải tạo, gội rửa "tư tưởng cộng sản".

Trước âm mưu thâm độc và hành động dã man của địch, các tù binh là những đảng viên kiên trung đã tìm tới nhau thành lập tổ chức đảng bí mật trong phân khu giam để tập hợp, lãnh đạo quần chúng chống lại địch. Mỗi phân khu giam đều có Đảng bộ. Dưới Đảng bộ là các chi bộ, dưới chi bộ là tổ đảng. Tổ chức quần chúng của Đảng có Đoàn Thanh niên và Hội đồng hương các tỉnh. Tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn sinh hoạt bí mật và đơn tuyến. Hội đồng hương bí mật với địch nhưng công khai với ta.

Trong đấu tranh với địch, Đảng ủy đã lấy Công ước quốc tế Giơ-ne-vơ năm 1949 về đối xử với tù binh chiến tranh làm căn cứ pháp lý. Các chiến sĩ cách mạng đã đòi địch phải công nhận là "Tù binh", không được gọi là "Tù phiến cộng"; yêu cầu giám thị phải giải tán đội trật tự, phải để các tù binh bầu đại diện và trưởng phòng. Đồng thời không ngừng chống kế hoạch "Tân sinh hoạt" của địch, chống hô khẩu hiệu, chống chào cờ Ngụy, không làm những việc có tính quân sự như: rào các hàng rào, đào giao thông hào, xây lô cốt… Mưu trí, dũng cảm và kiên cường, ông Đinh Duy Điệp được tổ chức tín nhiệm phân công đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng bộ phân khu D5. Trong suốt khoảng thời gian bị địch bắt tù đày tại Trại giam tù binh Phú Quốc, ông Điệp đã cùng cấp ủy phân khu tham gia lãnh đạo, chỉ đạo nhiều phong trào chống lại âm mưu, thủ đoạn đen tối của kẻ thù.

Ông Điệp cho hay: Hầu hết các chiến sĩ của ta bị địch bắt trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, khi vào Trại giam bị tra tấn dã man, bị mua chuộc, dụ dỗ nên việc giáo dục, động viên chiến sĩ là việc làm thường xuyên của Đảng ủy. Đảng ủy đã tổ chức các lớp học chính trị, học văn hóa, học nhạc, học vẽ, học y tá. Thông qua những buổi học, các chiến sĩ nắm được diễn biến ngoài chiến trường, biết được dư luận quốc tế đang ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân ta. Từ đó đã củng cố niềm tin của chiến sĩ vào lý tưởng của Đảng, tin vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến… Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng ủy nên chính trong chốn "địa ngục trần gian", những chiến sĩ cách mạng vẫn không hề nao núng, vững tin vào lý tưởng của Đảng, không khuất phục trước đòn roi tra tấn tàn ác cũng như những chiêu hồi của kẻ địch.

Ông Trần Thanh Chương chia sẻ: Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chúng tôi đã vững tin hơn rất nhiều. Khoảng thời gian bị địch cầm tù, tôi và một số đảng viên khác được cấp ủy giao nhiệm vụ vận động, thuyết phục đồng chí, đồng đội đoàn kết đấu tranh chống lại thủ đoạn chiến tranh tâm lý và chiêu hồi của địch, buộc bọn cai ngục phải nới lỏng chế độ lao tù như: chấp nhận bàn giao khẩu phần gạo, thực phẩm hằng ngày để tù binh tự nấu, cho tù binh được học văn hóa. Bên cạnh đó, Chi bộ trong tù vẫn tìm mọi cách mở các lớp lý luận chính trị, thậm chí ban đêm còn sinh hoạt văn nghệ, bình giảng các tác phẩm văn học… Các chi bộ Đảng, đảng viên thực sự đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt, vững vàng, tích cực nhất, được quần chúng tin tưởng, bảo vệ và nghe theo.

Ông Điệp tâm sự: Năm 1972, khi tôi làm đại diện cho các chiến sĩ ở phòng giam, sau khi đánh đập, tra tấn dã man, tên thiếu tá ngụy tên Thọ-Tiểu đoàn trưởng nói với tôi: "Tôi biết các ông sẵn sàng chấp nhận tất cả để bảo vệ lý tưởng. Thây kệ các ông"! Rồi đột ngột ông ta hỏi tôi: "Ông có biết lý tưởng của tôi là gì không?". Khi tôi chưa có phản ứng gì thì ông ta tự trả lời "Lý tưởng của tôi là đồng đô la và người phụ nữ".

Như vậy, có thể nói, trước đây họ gọi các chiến sĩ của ta là phần tử "phiến loạn". Nay chính họ phải thừa nhận các chiến sĩ của ta sống và chiến đấu có lý tưởng cách mạng! Đó là thành công lớn của những tù binh Phú Quốc. Tinh thần kiên trung, bất khuất của các tù binh đã làm kẻ địch dù bằng nhiều cách tra tấn dã man, tàn ác nhất vẫn phải nể phục.

Cũng chính tinh thần kiên trung, bất khuất của những người lính cộng sản đã lập nên những kỳ tích nơi ngục tù. Đó là cuộc vượt ngục thành công của 21 tù binh ở phân khu B2 bằng đường hầm dài 120 m, khiến cho quân Mỹ-ngụy Sài Gòn sau này khi thị sát hiện trường đã phải thốt lên: Đây phải có các kiến trúc sư thời Điện Biên Phủ mới làm được công trình này". Cùng với đó là hàng loạt cuộc vượt ngục với nhiều hình thức độc đáo, sáng tạo, thể hiện sự mưu trí, dũng cảm của chiến sĩ cách mạng. Đã có trên 40 cuộc vượt ngục với 239 người vượt ngục thành công tìm về với cách mạng.

"Trước đòn tra tấn tàn ác của địch, tất cả chúng tôi phải gồng mình lên chịu đựng, nhiều lúc cái ranh giới giữa kiên trung và hèn nhát chỉ mong manh như sợi chỉ mỏng. Nhưng chính niềm tin vào lý tưởng cách mạng đã giúp chúng tôi vượt qua mọi cực hình. Đòn roi của kẻ địch đã không khuất phục được chúng tôi. Chúng tôi đã sống hiên ngang và dũng cảm, giữ vững khí tiết của người cộng sản"-ông Đinh Duy Điệp khẳng định.

Sự kiên cường, dũng cảm của những chiến sĩ cách mạng đã thắp lên ngọn lửa tranh đấu trong lòng trại giam của địch, viết nên khúc tráng ca "kiên trung, bất khuất" nơi "địa ngục trần gian", góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bài, ảnh: Đinh Ngọc

Kỳ 2: Viết tiếp bản hùng ca

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-nhung-nguoi-tro-ve-tu-dia-nguc-tran-gian-ky-1-nhung/d20240326083018255.htm