Chuyên gia, tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phát triển xanh
Bên lề Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh diễn ra mới đây, chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, đại diện một số tổ chức và định chế tài chính quốc tế khẳng định sẵn sàng tham gia đóng góp vào quá trình phát triển xanh, bền vững của Thành phố.
Đưa kinh tế xanh vào chương trình học
Phát biểu bên lề Diễn đàn CEO 100 Tea Connect trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ngày 14/9, ông Shanmuga Retnam, Chủ tịch Liên minh Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam (VSCC), đã đưa ra một số gợi ý cho quy trình phát triển xanh của TP. Hồ Chí Minh. Theo chuyên gia này, Thành phố có thể đẩy mạnh việc trồng cây xanh, đồng thời đưa kinh tế xanh vào trong chương trình học cho thanh thiếu niên, bởi thế hệ trẻ hôm nay là lãnh đạo tương lai.
Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, ông Retnam, người từng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBAV), cho biết, nước này đã phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để khuyến khích họ áp dụng các cách làm tốt nhất về phát triển bền vững, cũng như xây dựng các chỉ số quản trị, bao gồm chỉ số ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Ông nêu rõ: “Singapore cũng khuyến khích các doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt kỹ mối quan hệ giữa con người, hành tinh và lợi nhuận, bởi đây là nền tảng cơ bản của môi trường bền vững”.
Với tư cách là Chủ tịch VSCC gồm các doanh nghiệp Chunghwa Telecom (Đài Loan Trung Quốc), Điện Quang (Việt Nam) và Metropoli (Tây Ban Nha), ông Retnam cho biết, Liên minh có kiến thức sâu rộng để đóng góp cho TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam về quy trình phát triển xanh, trong đó, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm của sự đổi mới trong phát triển đô thị.
Tài chính xanh là trọng tâm
Ông Shaun Chakraborty, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá, trong vài năm qua, Việt Nam đạt một số bước tiến đáng kể trong việc chuyển đổi xanh, thúc đẩy năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và các biện pháp khác. ADB rất tự hào là đối tác của Việt Nam trong 30 năm qua.
Lãnh đạo ADB tại Việt Nam cho rằng, yếu tố đầu tiên trong phát triển xanh là bảo đảm nguồn tài chính dài hạn cho bất kỳ khoản đầu tư nào được thực hiện để hỗ trợ tài chính xanh. Tài chính xanh không hề dễ dàng, nhất là khi còn đó những thách thức về công nghệ, khả năng chi trả và rào cản về quy định.
Trong bối cảnh đó, ông Chakraborty khẳng định, ADB có nhiều dịch vụ, từ khu vực công đến khu vực tư, để hỗ trợ cho vay, đầu tư; cung cấp năng lực tài chính và mọi hình thức hỗ trợ chính sách cũng như tư vấn cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền TP. Hồ Chí Minh khi Thành phố bắt đầu hành trình tăng trưởng xanh.
Ông cho biết, ADB đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với TP. Hồ Chí Minh vào năm 2020, trong đó đề ra nhiều lĩnh vực hợp tác song phương.
Trước đây, ADB đã hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực như đường thủy, đường sắt metro. Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đối thoại với Thành phố và Chính phủ Việt Nam để tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp TP. Hồ Chí Minh có thể vững bước trên hành trình trở thành một thành phố xanh.
Giám đốc ADB tại Việt Nam cũng chia sẻ một số ví dụ thành công trong phát triển xanh từ nguồn vốn của ngân hàng, như dự án phát triển năng lượng tái tạo trong các doanh nghiệp tư nhân tại Ấn Độ.
Ông nói: “Trong thời gian gần đây, ngân hàng chúng tôi đã hỗ trợ các dự án năng lượng mặt trời hay dự án năng lượng từ chất thải ở Ấn Độ. Đây đều là các dự án có khả năng huy động vốn và được hỗ trợ bởi khu vực tư nhân, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của ADB dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó là ví dụ TP. Hồ Chí Minh có thể học hỏi”.
LHQ sẵn sàng giúp đỡ TP. Hồ Chí Minh phát triển xanh
Trong khi đó, ông Klaus Tyrkko, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), cho biết, cơ quan này đang triển khai dự án lớn về tích hợp các khu công nghiệp tại Việt Nam với cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững.
Nhận định về quá trình phát triển xanh của Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh, ông cho rằng vẫn còn nhiều điều phải làm. Khẳng định sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong những thập niên qua đã đặt ra câu chuyện về phát triển xanh cũng như một số vấn đề nổi cộm, đại diện UNIDO nhấn mạnh, hiện là thời gian phù hợp để bắt đầu chú ý tới chúng.
Tuy nhiên, ông cũng lạc quan rằng chính quyền cũng như doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đều đã khẳng định cam kết mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc (LHQ) có thể chia sẻ kinh nghiệm từ phần còn lại của thế giới. Thời gian qua, có nhiều ví dụ hiệu quả và chưa hiệu quả về phát triển xanh. Điều LHQ mang lại chính là ví dụ về cách làm hiệu quả cho TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam trong việc cân nhắc bước đi đúng đắn cho quá trình này.
Đồng thời, UNIDO hy vọng Việt Nam cũng sẽ nhìn nhận các khu công nghiệp là đối tác cho các giải pháp xanh hơn.
Liên quan tới nỗ lực của Việt Nam trong đáp ứng các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của LHQ cùng kết quả đánh giá giữa kỳ (*), ông cho biết: “Tất nhiên, SDGs là điều chúng ta cần nghĩ tới. Tuy nhiên, đây cũng là khái niệm rộng. Ngoài ra, nhiều chỉ số được nêu trong này là tương đối phức tạp để có thể hoàn thành trực tiếp.
Song tôi nghĩ rằng, điều chúng ta nên làm là nhìn vào tinh thần của SDGs, rằng có những vấn đề cần nhận được sự quan tâm và mọi người đều phải cân nhắc. Không chỉ LHQ hay các chính phủ mà tất cả chúng ta, từ doanh nghiệp tư nhân cho đến cá nhân, đều cần phải cố gắng thực hiện những mục tiêu đó.
Về đánh giá giữa kỳ, tôi cho rằng, kết quả cuối cùng sẽ rất đáng chú ý. Tôi được biết chúng ta còn một chặng đường dài ở phía trước để đạt mục tiêu. Song chúng ta thực sự không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến về phía trước”.
(*) Tháng 9/2015, tất cả các thành viên LHQ nhất trí thông qua 17 SDGs, một phần của Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, nhằm hướng tới xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người dân, ở mọi nơi trên Trái đất. Năm 2023, LHQ ban hành báo cáo giữa kỳ về tiến độ thực hiện SDGs .