Chuyên gia lý giải hiện tượng 'mây ngũ sắc' ở TPHCM

Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tượng mây có ngũ sắc và hình lưỡi trai chiều 12-5 tại TPHCM là hiện tượng tự nhiên bình thường, có thể gặp ở nhiều nơi.

Chiều tối 12-5, PV Báo SGGP đã liên hệ với chuyên gia khí tượng Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia để hỏi về hiện tượng mây ngũ sắc tại TPHCM mà người dân ở nhiều nơi tại Nam bộ đều có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, không hiểu gì về mây cũng như hiện tượng này. Chuyên gia này chỉ nói chung chung rằng có thể đây là hiện tượng khúc xạ ánh sáng, cần phải được nhìn thực tế.

Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tượng mây có ngũ sắc và hình lưỡi trai chiều 12-5 tại TPHCM là một hiện tượng tự nhiên bình thường, có thể gặp ở nhiều nơi. Ảnh: QUỐC ANH

Trong khi đó, một chuyên gia không thuộc hệ thống của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng mây như ở TPHCM chiều 12-5 được gọi là hiện tượng “mây lưỡi trai” (xuất hiện khá thường xuyên ở miền Bắc và miền Trung vào các mùa hè nắng nóng) nhưng tại TPHCM có điểm khác hơn là có nhiều màu sắc (giống như ngũ sắc).

“Hiện tượng này được tạo nên khi mặt trời bị khuất đằng sau đám mây dày đó, nhưng ánh nắng lại bị tán xạ bởi hơi băng (tán xạ giống như phương thức hình thành cầu vồng sau cơn mưa)”, chuyên gia này giải thích.

Theo các chuyên gia thời tiết, hiện tượng mây ngũ sắc chiều nay trên bầu trời phía Tây của TPHCM là dấu hiệu của một cơn mưa dông cục bộ phía Tây. Ảnh người dân chia sẻ trên FB

“Hơi băng” này cũng giống hơi sương nhưng do ở trên độ cao 12.000-15.000m thì nhiệt độ rất lạnh nên kết tủa lại thành băng quanh đám mây phát triển vào những chiều có nắng nóng nhưng sắp chuyển sang những ngày mưa (bầu trời có nhiều hơi nước ngưng tụ).

Còn theo chuyên gia thời tiết và biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy, giảng dạy chương trình thạc sĩ biến đổi khí hậu tại Đại học Việt-Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện tượng mây ngũ sắc chiều nay trên bầu trời phía Tây của TPHCM là dấu hiệu của một cơn mưa dông cục bộ phía Tây chứ không có màu sắc tâm linh và cũng không liên quan đến hiện tượng bão địa từ.

Cũng theo chuyên gia này, chiều nay 12-5, trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều có dấu hiệu cơn dông do mây ở phía Tây phát triển.

Còn theo kinh nghiệm dân gian của người dân ở miền Bắc, mỗi khi có hiện tượng “mây lưỡi trai” (hình lưỡi con trai) thì báo hiệu sắp tới sẽ có một đợt mưa lớn.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-gia-ly-giai-hien-tuong-may-ngu-sac-o-tphcm-post739521.html