Chuyên gia: 'Cần có chiến lược mới để phát triển công nghiệp ô tô trong nước'

Đây là chia sẻ của ông TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tại tọa đàm với chủ đề 'Công nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?' do tạp chí Hải Quan tổ chức sáng nay (24/5), tại Hà Nội.

'Sẽ có chiến lược mới để phát triển công nghiệp ô tô trong nước' - Ảnh minh họa B.A

'Sẽ có chiến lược mới để phát triển công nghiệp ô tô trong nước' - Ảnh minh họa B.A

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Lê Huy Khôi cho biết: "Hiện nay Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA và được thế giới công nhận là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường''.

Cụ thể, đối với các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang áp thuế 0% đến hết năm 2027 đối với các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong quan hệ với Hàn Quốc, theo Nghị định số 125/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều mặt hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được áp thuế suất 0% kể từ năm 2022.

Trong khi đó, thuế suất đối với linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 27 quốc gia EU vẫn ở mức khá cao. Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len (UKVFTA), chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm dần từ năm 2022 đến năm 2027.

Riêng đối với xe CBU, Việt Nam đang áp thuế nhập khẩu 0% đối với xe sản xuất tại Thái Lan, Indonesia; trong khi xe nhập khẩu từ Pháp, Đức, Ý vẫn đang áp thuế nhập khẩu từ 56-74%. Với nhiều sự thay đổi đó đòi hỏi chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô trong nước cũng cần thay đổi triệt để mới có thể theo kịp các quốc gia trong khu vực. Chiếc lược trước đây có phần không hiệu quả do chưa có sự điều chỉnh kịp thời trước những diễn biến liên tục, ông Khôi nhận định.

 TS. Lê Huy Khôi (bên trái) - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) phát biểu tại tọa đàm - Ảnh Bình An

TS. Lê Huy Khôi (bên trái) - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) phát biểu tại tọa đàm - Ảnh Bình An

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, giai đoạn từ năm 2023 - 2030 được xác định là giai đoạn khởi đầu cho chiến lược mới. Định hướng phát triển ngành ô tô Việt Nam sẽ đạt mức cơ giới hóa vào năm 2030 và đạt khoảng trên 1,5 triệu xe các loại. Trong giai đoạn này xác định các dòng xe động cơ đốt trong vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn trong cả sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Giai đoạn 2031 - 2035 sẽ là giai đoạn bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh; lượng xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời , sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới,... sẽ tăng mạnh mẽ, dần thay thế các dòng xe động cơ đốt trong.

Giai đoạn 2035 - 2045 và những năm tiếp theo được xác định sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh của lượng xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời , sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới,... và tiến dần đến sự ổn định của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Trong đó, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời , sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới,... sẽ thay thế hoàn toàn 100% xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2050.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này đánh giá việc chuyển đổi như trên là không hề dễ dàng đối với phần đông các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay. Để chuyển dịch thì doanh nghiệp cần nguồn lực rất lớn cùng với đó là hàng loạt những chính sách hỗ trợ.

 Dây chuyền hàn tự động tại nhà máy Ford Hải Dương - Ảnh Bình An

Dây chuyền hàn tự động tại nhà máy Ford Hải Dương - Ảnh Bình An

Để hoàn thành mục tiêu này, TS. Lê Huy Khôi đã nêu hàng loạt giải pháp rất cụ thể. Đầu tiên là phải xây dựng các chương trình, đề án phát triển ngành công nghiệp ô tô, cụ thể hóa một số nội dung của chiến lược. Xây dựng Chương trình/ Kế hoạch hành động trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Cùng với đó lựa chọn một số bộ phận quan trọng trong chuỗi giá trị cấu thành ô tô đưa vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm của quốc gia.

Cuối cùng là nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu đồng thời hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế.....

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-gia-can-co-chien-luoc-moi-de-phat-trien-cong-nghiep-o-to-trong-nuoc.html