Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và môi trường

Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, ngành Tài nguyên và Môi trường Sơn La đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường. Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đứng thứ 3/20 sở, ban, ngành về hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số.

Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trực tuyến của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nhiều giải pháp mang lại lợi ích

Đồng chí Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, tổ giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên; xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, thiết lập chuyên mục về chuyển đổi số trên Trang thông tin điện tử, theo địa chỉ: https://sotnmt.sonla.gov.vn/chuyen-doi-so, mục chuyển đổi số, thường xuyên đăng tải các bài viết về chuyển đổi số của ngành, các tin tức, nội dung liên quan đến chuyển đổi số của tỉnh để người dân, công chức, viên chức, người lao động hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của chuyển đổi số.

Tung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện đo đạc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh.

Hiện nay, 100% các quy trình xử lý văn bản được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa trên môi trường mạng; sử dụng chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thực hiện trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh. Các thủ tục được số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Đến nay, 51/74 thủ tục hành chính của Sở đạt mức độ toàn trình, còn lại đạt mức độ một phần..; 225/444 hồ sơ được giải quyết, xử lý trực tuyến…

Ký cam kết giữa các chủ đầu tư khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quản lý lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; sử dụng phần mềm VBDLIS để quản lý nhà nước về đất đai, sử dụng các phân hệ: Thống kê kiểm kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; hồ sơ địa chính; quản trị, phân quyền chức năng… trên máy tính, giúp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các quy trình điện tử, giảm bớt thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, Sở phối hợp với VNPT Sơn La triển khai thử nghiệm hệ thống bản đồ số dùng chung toàn tỉnh VNPT-Geoportal, để quản lý, cung cấp, khai thác và chia sẻ dữ liệu bản đồ dùng chung trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành, tổ chức nghiệm thu Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) trên địa bàn 8/12 huyện, thành phố; vận hành cơ sở dữ liệu đất đai 11/12 huyện, thành phố trên phần mềm VBDLIS (riêng huyện Mường La vẫn sử dụng phần mềm Vilis).

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu đất đai được kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sơ dữ liệu của cơ quan thuế và thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai... Đây là tiền đề, cơ sở bước đầu để năm 2025, tỉnh Sơn La hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu, kết nối liên thông theo chỉ đạo của tỉnh.

Nỗ lực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành

Lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát tài nguyên nước và khí tượng thủy văn được xây dựng, đưa vào hoạt động. Sở đang phối hợp với VNPT Sơn La triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin khoáng sản VNPT - Minerals giúp quản lý toàn bộ các hệ thống điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Khu vực thu gom, xử lý nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sơn La, huyện Mai Sơn, lắp đặt camera giám sát.

Đối với lĩnh vực môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu môi trường và đa dạng sinh học; gồm nhóm thông tin dữ liệu về nguồn thải, nhóm thông tin dữ liệu về chất lượng môi trường và nhóm thông tin về đa dạng sinh học.

Cùng với đó, Sở ứng dụng phần mềm quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục (Envisoft) do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, quản lý; giúp Sở tiếp nhận và quản lý dữ liệu của các trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tích cực việc tiếp nhận dữ liệu quan trắc chất thải của các doanh nghiệp; tạo ra công cụ để quản lý, giám sát, kiểm duyệt dữ liệu và truyền dữ liệu từ Sở về Bộ Tài nguyên và Môi trường và khai thác số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại Nhà máy chế biến đường, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường còn chia sẻ dữ liệu về ngành Tài nguyên và Môi trường trên Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh (IOC), giúp lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Các điểm, mỏ khai thác khoáng sản, các cơ sở chế biến nông sản đều yêu cầu lắp camera giám sát và truyền hình ảnh về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, huyện Mai Sơn, có công suất chế biến 300 tấn sắn củ tươi/ngày. Niên vụ 2023-2024, nhà máy thu mua khoảng 130.000 tấn củ sắn tươi, đã chế biến 30.000 tấn tinh bột sắn thành phẩm.

Ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh, chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty lắp camera giám sát tại các khu vực thu gom, xử lý nước thải đầu vào, đầu ra của nhà máy. Toàn bộ hình ảnh, dữ liệu được truyền về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường 24/24 giờ, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn, đảm bảo quá trình phát sinh nước thải ra môi trường luôn trong quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Đẩy mạnh chuyển đổi số,Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, hạ tầng dữ liệu số về đất đai với giải pháp công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu cần thiết phục vụ chỉ đạo điều hành của ngành. Đồng thời, ngành cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nhanh chóng, tin cậy về tài nguyên và môi trường. Đẩy mạnh áp dụng trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) để tạo ra thông tin hữu ích từ dữ liệu đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/moi-truong/chuyen-doi-so-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-tai-nguyen-va-moi-truong-TKcyrPLIg.html