Chuyển đổi cơ cấu ngành dịch vụ để tạo thế cân bằng trong cán cân thương mại
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu dịch vụ. Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính riêng quý I/2025, Việt Nam nhập siêu dịch vụ là 1,64 tỷ USD.

Ảnh minh họa
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ quý I/2025 ước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 4,2 tỷ USD (chiếm 55,4% tổng kim ngạch), tăng 29,2%; dịch vụ vận tải đạt 2,0 tỷ USD (chiếm 26,4%), tăng 24,2%. Cũng trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, con số kỷ lục chưa từng có, mở ra những triển vọng cho ngành du lịch.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I/2025 ước đạt 9,22 tỷ USD, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 3,73 tỷ USD (chiếm 40,5% tổng kim ngạch), tăng 17,5%; dịch vụ du lịch đạt 3,4 tỷ USD (chiếm 36,9%), tăng 30,8%.
Để cải thiện cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, bà Nguyễn Thu Oanh - Trưởng Ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Cục Thống kê - Bộ Tài chính) khuyến nghị Việt Nam cần có các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là tập trung vào ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu dịch vụ là du lịch và vận tải.
Đối với ngành du lịch, 3 tháng đầu năm nay có doanh thu dịch vụ du lịch chiếm 55,4% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Để gia tăng dịch vụ xuất khẩu du lịch, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, chú trọng vào các thị trường khách quốc tế có mức chi tiêu lớn và tăng cường tổ chức các hoạt động kích cầu để kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế ở Viêt Nam.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng để tạo sức hút khách quốc tế đến Việt Nam và tăng cường đầu tư phát triển các ngành du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào khu du lịch quốc gia.
Đối với dịch vụ vận tải, cần tăng cường mở rộng, thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng, lãnh thổ, nhất là các thị trường có nhiều khách du lịch đến Việt Nam và nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, đường bộ, đường biển.
Hiện nay xuất khẩu dịch vụ Việt Nam gần như phụ thuộc vào các loại hình xuất khẩu tại chỗ như du lịch, các dịch vụ hỗ trợ vận tải trong khi dịch vụ tài chính, bảo hiểm, bưu chính viễn thông còn chiếm tỷ trọng quá nhỏ. Do đó, cần có các giải pháp tạo ra sự chuyển dịch trong cơ cấu xuất khẩu dịch vụ để tạo thế cân bằng hơn trong cán cân thương mại dịch vụ./.