Chương trình mỗi xã một sản phẩm - điểm đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn

ĐTO - Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế khu vực nông thôn của huyện Tam Nông. Chương trình đã giúp nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, tạo nền tảng vững chắc để huyện Tam Nông thực hiện thành công chương trình nông thôn mới (NTM).

Là địa phương có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, ngay khi bắt đầu triển khai Chương trình OCOP, huyện Tam Nông rất quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân đẩy mạnh chế biến các mặt hàng nông sản, thủy sản thế mạnh của địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Nông, huyện đã có 32 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Các sản phẩm phong phú về chủng loại như: gạo chế biến, nước mắm cá linh, khô cá đồng các loại, sữa hạt sen, trà lá sen, dưa kiệu... Hiện các sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở địa bàn tỉnh Đồng Tháp và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Lưu Văn Tiến - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông, cho biết: “Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương. Đặc biệt là các chủ thể đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Thông qua việc tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể nhận thấy đây là hướng đúng đắn, vừa phát huy được giá trị của tài nguyên bản địa, vừa tăng thu nhập kinh tế cho người dân và góp phần quảng bá tốt hơn nông sản của địa phương cho người tiêu dùng trong và ngoài nước”.

Có thể dễ dàng nhận thấy, việc đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP không chỉ giúp người dân nông thôn thấy được nhiều cơ hội đầu tư thêm vào lĩnh vực chế biến mà nhiều cơ sở, chủ thể OCOP cũng có sự phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Anh Phan Văn Chao bên các sản phẩm khô cá đồng chế biến của cơ sở

Anh Phan Văn Chao bên các sản phẩm khô cá đồng chế biến của cơ sở

Anh Phan Văn Chao - chủ Cơ sở khô cá đồng Phan Chao, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tâm sự: “Trước đây, khi chưa tham gia Chương trình OCOP, quy mô sản xuất của cơ sở còn khá nhỏ lẻ, sản phẩm khô làm ra còn đơn giản, bao bì thô sơ. Khi tham gia Chương trình OCOP, được sự hướng dẫn của địa phương, cơ sở chúng tôi bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, chất lượng sản phẩm từng bước được nâng lên, bao bì được đầu tư, cải tiến bắt mắt, tạo sự thu hút và thuận lợi hơn cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng... Một trong những điểm tôi tâm đắc nhất là khi sản phẩm được đánh giá đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, các cơ sở sẽ được ngành chức năng tạo điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ... do huyện, tỉnh tổ chức. Với những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ như chúng tôi thì đây là cơ hội để sản phẩm đến gần hơn với thị trường...”.

Còn anh Dương Tấn Nhựt - chủ Cơ sở Cơm Cháy Chà Bông, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, chia sẻ: “Sản phẩm cơm cháy chà bông của cơ sở tham gia xét chọn sản phẩm OCOP, được đánh giá đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện và đang được gửi đánh giá tiếp ở cấp tỉnh. Tôi rất hi vọng sản phẩm của mình đạt chuẩn sản phẩm OCOP cao hơn. Bởi khi sản phẩm đạt chứng nhận sẽ là nền tảng để người tiêu dùng có thể tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm. Và tôi cũng hi vọng đây là cơ hội để sản phẩm của cơ sở sẽ tiếp cận được nhiều phân khúc thị trường hơn, từ đó giúp cơ sở mở rộng quy mô sản xuất”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông, việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP cũng là nền tảng quan trọng góp phần giúp cho huyện Tam Nông thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Huyện Tam Nông đã có 10/11 xã NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đạt được kết quả đó, có sự đóng góp thiết thực của Chương trình OCOP.

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-diem-dot-pha-trong-phat-trien-kinh-te-nong-thon-118465.aspx