Chung tay nuôi dưỡng nguồn thủy sản tự nhiên

Những năm gần đây, nguồn thủy sản tại hệ thống sông, suối, hồ chứa trên địa bàn tỉnh suy giảm nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của một số người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, mà còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học cũng như cân bằng hệ sinh thái.

Ngư dân Lê Văn Bình, người sống bằng nghề đánh cá lâu năm tại sông Hồng, khu vực phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) cho biết: Ngày trước, chỉ cần đặt 100 m lưới xuống sông vài giờ bắt được hàng chục kg cá, nhưng nay nhiều thuyền đánh bắt bằng xung điện, tôm cá chẳng còn mấy, cả ngày thả lưới cũng chỉ được vài con. Nhiều hộ ngư dân đã phải bỏ nghề chài lưới để lên bờ làm nghề khác.

Hoạt động thả cá phóng sinh được tỉnh Lào Cai tổ chức hằng năm.

Lào Cai có diện tích mặt nước tự nhiên tương đối lớn, đặc biệt trên 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy. Trên hệ thống sông, suối, hồ chứa tự nhiên của tỉnh có rất nhiều loài thủy sản quý hiếm, giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá lăng, cá bỗng, trắm đen, chép, trạch... Nguồn thủy sản tự nhiên và khu hệ cá phân bố trên các loại thủy vực tự nhiên ở Lào Cai khá phong phú.

Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Ngành thủy sản đã nghiên cứu và khoanh vùng những bãi cá đẻ tự nhiên, như khu vực cầu Cốc Lếu (thành phố Lào Cai), Ngòi Bo, Ngòi Nhù (huyện Bảo Thắng) là bãi đẻ tự nhiên của cá chiên; bãi Soi Cờ (huyện Bảo Thắng) là bãi đẻ của cá trắm, cá bỗng; các bờ lau sậy ven sông Hồng là bãi đẻ của cá trôi, cá chép. Trong đó có các bãi đẻ tự nhiên nằm trong hệ thống bãi đẻ quốc gia như Ngòi Nhù, Ngòi Bo, Ngòi Đum, bãi Soi Cờ. Tất cả đều là những điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sản và phát triển; phục vụ nghiên cứu, phát triển thủy sản, khai thác thủy sản ở các lưu vực sông, suối, hồ chứa.

Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng suy giảm. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, dòng chảy thay đổi, chất lượng nguồn nước bị suy giảm, các vùng gần khu dân cư và khu công nghiệp nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc đánh bắt cá bằng hình thức hủy diệt như ruốc cá, dùng kích điện, lưới mắt nhỏ, khai thác vào mùa sinh sản cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tái tạo thủy sản tự nhiên.

Người dân chung tay nuôi dưỡng, phát triển nguồn thủy sản tự nhiên.

Trước thực trạng báo động như trên, từ năm 2016 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lào Cai và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã phối hợp tổ chức thả cá giống góp phần khôi phục hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Theo đó, tháng 7 hằng năm, các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức thả 12 đợt với hơn 1,6 triệu con giống thủy sản gồm cá chiên, cá lăng, cá chày, trắm cỏ, trôi, chép… vào hệ thống sông ngòi tự nhiên. Việc thả cá giống góp phần khôi phục lại đàn cá, bảo vệ sinh thái trong sông, hồ và khu vực phụ cận.

Bên cạnh việc thả cá giống thì quy hoạch, quản lý đánh bắt cá, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cũng được chính quyền các cấp chú trọng. Ngày 15/2/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 59 về triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Theo đó, năm 2022, Lào Cai triển khai thực hiện 2 nội dung chính để bảo vệ và phát triển nguồn thủy sản, trong đó tập trung tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh các biện pháp đánh bắt, khai thác thủy sản theo quy định; bảo vệ các loài thủy sản quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; mục đích của việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hướng dẫn kỹ thuật thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản; tác hại của việc sử dụng dụng cụ có tính hủy diệt để khai thác thủy sản...

Các cơ quan chức năng cấp tỉnh phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt, đánh bắt trong mùa cá sinh sản. Các địa phương rà soát, lập danh sách các đối tượng khai thác thủy sản bằng phương tiện hủy diệt để vận động, tuyên truyền, quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; định hướng các thôn, tổ đưa các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào quy ước, hương ước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với giống thủy sản, đặc biệt là các loài quý, hiếm, loài có nguy cơ tuyệt chủng và bảo vệ nguồn lợi tại các thủy vực tự nhiện trên địa bàn…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358706-chung-tay-nuoi-duong-nguon-thuy-san-tu-nhien