Chứng khoán Việt Nam lại lỡ hẹn nâng hạng thị trường FTSE
Trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 9/2023 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) dù đã được thêm vào danh sách theo dõi từ năm 2018.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với tư cách là thị trường cận biên (Frontier market) và sẽ được xem xét để phân loại lại thành Thị trường mới nổi thứ cấp trong chương trình Phân loại quốc gia của FTSE tại Đánh giá tạm thời vào tháng 3/2024.
Theo FTSE Russell, nguyên nhân Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn kỳ này do vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” - vốn đang ở được xếp ở mức “hạn chế” (Restricted). Bởi theo thông lệ thị trường về việc kiểm tra trước giao dịch phải đảm bảo có vốn trước khi thực hiện giao dịch. Trong khi đó, thị trường Việt Nam chưa gặp phải các giao dịch thất bại nào, do đó mục “thanh toán - chi phí liên quan tới giao dịch thất bại” chưa được đánh giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải cải thiện quá trình đăng ký tài khoản mới, đồng thời phải đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài.
FTSE Russell cho biết: “Mặc dù kế hoạch cải tổ thị trường vẫn tiến triển chậm, nhưng các quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết đẩy mạnh quá trình này. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng tích cực tìm kiếm các giải pháp khả dĩ về vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding)”.
Theo đó, FTSE Russell vẫn tiếp tục “mối quan hệ mang tính xây dựng” với UBCKNN, Ngân hàng Thế giới (WB), Ernst & Young và các cơ quan phụ trách thị trường khác (hiện WB và Ernst & Young đang hỗ trợ chương trình cải tổ thị trường của Việt Nam).
Tuy nhiên, theo FTSE Russell, Việt Nam vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán sao cho phù hợp với luật mới của Việt Nam. Đây là bước quan trọng kế tiếp. Do đó, FTSE Russell khuyến khích các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam công bố chỉ dẫn rõ ràng hơn về các bước đi và lộ trình triển khai quá trình cải tổ.
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI, các cơ quan chức năng đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI. Nhìn chung, các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện.
Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính nhưng trong số các tiêu chí định tính mà FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều. Tuy nhiên, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding).
Về giải pháp ngắn hạn, hiện có một số đề xuất đang được thảo luận như sửa đổi Thông tư 120, bỏ quy định nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cần phải có đủ 100% tiền trong tài khoản để thực hiện lệnh. Ủy ban Chứng khoán có thể cấp margin dựa trên tài sản đảm bảo của NĐT nước ngoài, nếu tài sản đảm bảo ở ngân hàng lưu ký thì công ty chứng khoán, khách hàng và ngân hàng lưu ký phải làm việc với nhau về tài sản đó.
Về vấn đề độ mở của thị trường đối với NĐT nước ngoài (room ngoại), theo SSI Research, room ngoại tối đa tùy thuộc vào quyết định của từng công ty, miễn là phù hợp với quy định. Do đó, trong dài hạn, cần phải đưa room ngoại lên tối đa cho đa số các ngành và chỉ giới hạn ở một số ngành thực sự cần thiết.
Mặt khác, việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán. Việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP cần sự tham gia nỗ lực từ các bên, trong đó về phía các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán, các luật liên quan cần phải sửa đổi như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai. SSI Research cho rằng, giai đoạn này chính là thời điểm thích hợp cho việc nâng hạng của thị trường Việt Nam, cũng là bước đệm để đón nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp khác như các quỹ tương hỗ (mutual fund), quỹ hưu trí (pension fund).
Ngoài ra, quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên, khi thị trường cổ phiếu đã có trọng số trên 30% trong chỉ số thị trường cận biên toàn cầu của MSCI. Thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước nhảy vọt sau giai đoạn COVID-19, cho thấy có thể đáp ứng được yêu cầu thanh khoản của nhóm các thị trường mới nổi.
FTSE viết tắt của cụm từ Financial Times Stock Exchange Group, hay còn gọi là Footsie - một công ty độc lập và có nhiệm vụ tạo chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu. Thuộc sở hữu của Sở giao dịch chứng khoán London, FTSE Russell là một trong ba công ty cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới bao gồm MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices.
Tương tự như MSCI, sự phân hạng thị trường của FTSE là cơ sở tham chiếu đánh giá vị thế một quốc gia, thị trường và doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu. Cụ thể, FTSE Russell phân loại các nền kinh tế theo 4 hạng: thị trường phát triển; thị trường mới nổi tiên tiến; thị trường mới nổi thứ cấp; thị trường cận biên.
Các nguyên tắc phân loại thị trường của FTSE bao gồm: Độ thịnh vượng tương đối của nền kinh tế: Thu nhập bình quân đầu người (theo dữ liệu GNI per capita của World Bank) và xếp hạng tín nhiệm; chất lượng thị trường: Chất lượng về hệ thống quy định, pháp luật, môi trường giao dịch,quy trình lưu ký, thanh toán và sự hiện diện của thị trường phái sinh.