Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất lịch sử, Hàn Quốc phải 'ngắt điện'
Chỉ số Nikkei 225 đã chứng kiến cú sụt giảm chóng mặt 4.451,28 điểm, vượt xa cả 'thứ 2 đen tối' năm 1987 - cột mốc đáng sợ trong lịch sử tài chính toàn cầu.
Theo Reuters, thị trường chứng khoán lao dốc và cổ phiếu Nhật Bản giảm mạnh 13% vì lo ngại Mỹ có thể đang hướng đến suy thoái. Các nhà đầu tư vội vã thoát khỏi các tài sản rủi ro trong khi đặt cược rằng cần phải cắt giảm lãi suất nhanh chóng để cứu vãn tăng trưởng.
Chứng khoán Nhật giảm mạnh nhất lịch sử
Kết phiên giao dịch đầu tuần hôm nay, chỉ số chứng khoán Nhật Bản Nikkei giảm 12,4%, xuống 31.458,42 điểm. Đây là phiên giảm tồi tệ nhất của chỉ số chứng khoán này kể từ “ngày thứ 2 đen tối” năm 1987.
Xét theo giá trị tuyệt đối, phiên giảm 4.451,28 điểm hôm nay của Nikkei 225 là mức giảm lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Nhật Bản. Tương tự, chỉ số Topix cũng mất 12,23%, đóng cửa ở mức 2.227,15 điểm.
Với phiên giảm này, cả Nikkei 225 và Topix đều đã chìm vào thị trường đầu cơ giá xuống - trạng thái được xác định bởi mức giảm 20% kể từ đỉnh gần nhất là mức cao kỷ lục thiết lập vào hôm 11/7.
Đến hiện tại, chỉ số Nikkei đã để mất toàn bộ thành quả tăng giá từ đầu năm 2024.
Giá cổ phiếu của những công ty thương mại lớn như Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo và Marubeni đồng loạt giảm trên 14%. Trong đó, Mitsui chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường “bốc hơi” khoảng 20%.
Trước phiên giảm này, chỉ số Nikkei 225 và Topix đã giảm tương ứng 5% và 6% trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản cũng giảm mạnh 17 điểm cơ bản xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 là 0,785%, khi thị trường xem xét lại triển vọng tăng lãi suất thêm một lần nữa của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Trái phiếu kho bạc được săn đón với lợi suất kỳ hạn 10 năm đạt 3,723%, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2023. Lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm xuống 3,807%, giảm 50 điểm cơ bản vào tuần trước và có thể sớm trượt xuống dưới lợi suất kỳ hạn 10 năm, khiến đường cong chuyển sang tích cực theo cách đã báo trước suy thoái trong quá khứ.
Hàn Quốc phải "ngắt cầu dao" chứng khoán
Không riêng Nhật Bản, các thị trường chứng khoán lớn khác của khu vực châu Á đều ghi nhận mức giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai hôm nay.
Trong đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 8,1% trước khi giao dịch bị ngưng 20 phút do mức giảm quá lớn khiến cơ chế tự ngắt của sàn giao dịch được kích hoạt. Chỉ số Kosdaq của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng giảm 11,71%.
Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia đóng cửa đầu tuần với mức giảm 3,7%; Hang Seng của Hong Kong giảm 2,2%; và Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục sụt hơn 1,4%.
Làn sóng bán tháo lớn đến mức các công cụ ngắt mạch đã được kích hoạt ở các sàn giao dịch trên khắp châu Á.
Đồng yen Nhật và franc Thụy Sĩ trú ẩn an toàn tăng vọt khi các giao dịch chênh lệch lãi suất bị phá vỡ, làm dấy lên suy đoán rằng một số nhà đầu tư đang phải bán tháo các giao dịch có lãi chỉ để có tiền bù lỗ ở nơi khác.
Hợp đồng tương lai Nasdaq giảm mạnh 4,7%, trong khi hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 12,4% khi sự sụp đổ lan rộng trên toàn thế giới. Hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 giảm 2,1% và hợp đồng tương lai FTSE giảm 1,2%.
Báo cáo bảng lương tháng 7 yếu đáng lo ngại đã khiến thị trường định giá 78% khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không chỉ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 mà còn nới lỏng thêm 50 điểm cơ bản.
Goldman Sachs hiện kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm 0,25 điểm cơ bản vào tháng 9, tháng 11 và tháng 12.
"Tiền đề dự báo của chúng tôi là tăng trưởng việc làm sẽ phục hồi vào tháng 8 và FOMC sẽ đánh giá mức cắt giảm 25 điểm cơ bản là đủ để ứng phó với mọi rủi ro giảm giá. Nếu chúng tôi sai và báo cáo việc làm tháng 8 yếu như báo cáo tháng 7, thì khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản sẽ xảy ra vào tháng 9".
Các nhà phân tích tại JPMorgan thậm chí còn bi quan hơn, đưa ra xác suất 50% cho suy thoái kinh tế Mỹ.
"Bây giờ Fed có vẻ như đang tụt hậu đáng kể, chúng tôi kỳ vọng sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9, sau đó là một lần cắt giảm 50 điểm cơ bản khác vào tháng 11", nhà kinh tế Michael Feroli cho biết.