Chứng khoán lao dốc mất hơn 82 điểm sau quyết định thuế suất mới của Tổng thống Donald Trump

Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) chứng kiến một đợt bán tháo mạnh mẽ, kéo theo sự lao dốc không phanh của các chỉ số. VN-Index giảm 82,28 điểm, tương đương 6,24%, xuống mức 1.235,55 điểm. Đây là một trong ba phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử, đưa chỉ số này gần chạm đáy của năm 2024.

TTCKVN lao dốc, mất hơn 82 điểm sau quyết định thuế của Tổng thống Trump. Ảnh chụp màn hình

TTCKVN lao dốc, mất hơn 82 điểm sau quyết định thuế của Tổng thống Trump. Ảnh chụp màn hình

Nhiều ngành xuất khẩu chịu tác động nặng nề

Không chỉ VN-Index, các chỉ số khác như HNX-Index và UPCoM-Index cũng không thoát khỏi đà giảm mạnh, lần lượt giảm 7,04% và 6,42%. Mức giảm này phản ánh sự hoảng loạn của thị trường trước thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng mức thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh này, khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán đạt gần 33.903,74 tỷ đồng, với hơn 1.626 triệu cổ phiếu được giao dịch. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ từ thông tin thuế quan đối với tâm lý nhà đầu tư. Đặc biệt, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh, với giá trị bán ra gần 1,7 ngàn tỷ đồng. Các cổ phiếu lớn như TPB (hơn 308 tỷ đồng), FPT (204 tỷ đồng), VNM (201 tỷ đồng), MWG (199 tỷ đồng) đều bị bán mạnh, thể hiện sự hoang mang của các nhà đầu tư ngoại trước những biến động chính trị và kinh tế từ quyết định thuế quan này.

Nhìn vào bức tranh chung của thị trường trong ngày 3/4, sự giảm điểm đồng loạt xuất hiện trên hầu hết các nhóm ngành lớn, với những ngành chủ chốt như tài chính, bất động sản, nguyên vật liệu và công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các nhóm ngành bị tác động sau khi Tổng thống Trump thông báo sẽ đánh thuế nhập khẩu từ Việt Nam lên 46%. Ảnh chụp màn hình

Các nhóm ngành bị tác động sau khi Tổng thống Trump thông báo sẽ đánh thuế nhập khẩu từ Việt Nam lên 46%. Ảnh chụp màn hình

Hiệu ứng “domino” cũng xảy ra khi những ngân hàng này đang đối mặt với áp lực lớn từ việc suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như sự lo ngại về dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi Việt Nam. Cụ thể, các cổ phiếu ngân hàng như MBB (-6,98%), SSI (-6,99%), TPB (-6,67%) và STB (-4,97%) ghi nhận mức giảm mạnh. Đây là những cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số, vì vậy việc giảm giá trên đã khiến VN-Index mất đi hàng chục điểm chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhóm ngành bất động sản cũng chịu tác động nặng khi các mã cổ phiếu lớn như VHM (-5,66%), VIC (-5,63%), VRE (-6,95%) và NVL (-6,99%) giảm mạnh. Các nhà đầu tư lo ngại rằng mức thuế quan này sẽ làm giảm sức mua từ các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời làm giảm nhu cầu đối với các dự án bất động sản có liên quan đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhóm ngành nguyên vật liệu như Hòa Phát (HPG) (-6,97%) và DGC (-6,95%) cũng không tránh khỏi tình cảnh giảm điểm mạnh. Ngành nguyên vật liệu đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là đối với các sản phẩm như thép, nhôm và hóa chất. Sự giảm sút trong hoạt động xuất khẩu này khiến các doanh nghiệp ngành vật liệu rơi vào khó khăn.

Tương tự, các ngành tiêu dùng thiết yếu và công nghệ thông tin cũng không thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của thông tin thuế quan, với các cổ phiếu lớn như VNM (-6,61%) và FPT (-6,97%) ghi nhận mức giảm mạnh.

Ngoài ra, khối ngoại cũng đang bán ròng mạnh mẽ với giá trị lên đến gần 1,7 ngàn tỷ đồng. Các mã cổ phiếu như TPB, FPT, VNM, MWG là những mã bị bán mạnh nhất. Sự bán tháo của khối ngoại khiến TTCKVN càng thêm phần căng thẳng. Các nhà đầu tư nước ngoài đang lo ngại về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam khi quyết định thuế của Mỹ có thể kéo theo sự suy giảm trong xuất khẩu và dòng vốn đầu tư.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo áp thuế đối kháng lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thị trường chứng khoán đã có phản ứng tiêu cực mạnh mẽ. Quyết định áp thuế lên tới 46% không chỉ tạo ra cơn sóng lớn trên thị trường chứng khoán mà còn đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào tình thế khó khăn, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu. Các nhóm ngành phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ giờ đây phải đối mặt với khả năng giảm sút doanh thu nghiêm trọng.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị tác động trong phiên giao dịch sáng ngày 3/4. Ảnh chụp màn hình

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị tác động trong phiên giao dịch sáng ngày 3/4. Ảnh chụp màn hình

Trong đó, các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ và linh kiện điện tử đang là những ngành chịu tác động mạnh nhất. Đây là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn vào thị trường Mỹ. Mức thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn, khiến đơn hàng giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lớn mà còn có thể dẫn đến việc giảm việc làm trong các ngành sản xuất, kéo theo sự sụt giảm trong đời sống kinh tế và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc giảm xuất khẩu sang Mỹ sẽ tác động đến dòng ngoại tệ vào Việt Nam, gây áp lực lên tỷ giá VND/USD, khi đồng VND có thể mất giá. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tìm cách điều chỉnh chiến lược, mở rộng các thị trường mới để giảm thiểu tác động từ việc thuế quan tăng cao. Tuy nhiên, việc chuyển hướng không phải là điều dễ dàng, khi các thị trường mới cần thời gian để xây dựng mối quan hệ và tăng trưởng.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia dự báo TTCKVN có thể tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn. Sự suy giảm của các ngành xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo chỉ số VN-Index xuống, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, khi các quốc gia tham gia đàm phán và tìm ra các giải pháp hợp lý về thuế quan, thị trường có thể sẽ hồi phục.

Chuyên gia Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng mức thuế 46% không phải là mức thuế cuối cùng mà là một phần trong quá trình đàm phán. Theo chuyên gia, sau khi các quốc gia tham gia đàm phán, mức thuế này có thể sẽ được điều chỉnh xuống và chỉ áp dụng cho một số nhóm ngành cụ thể, thay vì áp dụng cho toàn bộ hàng hóa xuất khẩu.

Tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trong phiên giao dịch sáng ngày 3/4. Ảnh chụp màn hình

Tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trong phiên giao dịch sáng ngày 3/4. Ảnh chụp màn hình

Tương tự, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), nhận định các ngành xuất khẩu có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các ngành như công nghệ, logistics và tài chính ngân hàng sẽ là những ngành hưởng lợi từ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, ngành công nghệ sẽ có cơ hội lớn nếu Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào R&D và sản xuất chip bán dẫn, AI và các sản phẩm công nghệ cao. Ngành logistics cũng sẽ phát triển mạnh mẽ khi các quốc gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và cần các dịch vụ vận chuyển, kho bãi, và phân phối.

Ngành nông sản chế biến sẽ có cơ hội nếu các doanh nghiệp chuyển từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu, nâng cao giá trị các sản phẩm xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Cuối cùng, ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn có tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt trong dài hạn, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/chung-khoan-lao-doc-mat-hon-82-diem-sau-quyet-dinh-thue-suat-moi-cua-tong-thong-donald-trump-20250403121043913.htm