Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là yêu cầu bắt buộc
Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ sẽ không còn là hai loại giấy tờ yêu cầu bắt buộc trong quy định tiêu chuẩn ngạch, chức danh...
Bộ Nội vụ đã trình và Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng gửi văn bản đến các bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nhằm đồng bộ trong việc triển khai thực hiện.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý.
Trong đó lưu ý, về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, đối với các ngạch công chức chuyên ngành, đề nghị quy định chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức giữ ngạch tương ứng theo quy định khoản 3 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
Đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một chuyên ngành, đề nghị quy định chung một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (không chia theo hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây) hoặc chứng chỉ hành nghề (nếu có) theo quy định tại khoản 4 Điều 17, khoản 2 Điều 26 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, khoản 9 Điều 1 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
Về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học, đề nghị không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Các bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ của ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.
Trường hợp trong tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có sự thay đổi về trình độ đào tạo dẫn đến thay đổi về việc xếp lương, bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu hướng dẫn cách chuyển xếp lương từ ngạch, chức danh (cũ) sang ngạch, chức danh quy định tại Thông tư (mới) tương ứng, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tiễn khi tổ chức thực hiện.
Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông đã phản ánh về việc quy định các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như một gánh nặng, khiến nhiều viên chức mất ăn mất ngủ, thậm chí tốn một khoản tiền để có hai loại giấy tờ trên. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều lĩnh vực, nghề nghiệp không liên quan, thậm chí không cần thiết phải có 2 loại chứng chỉ này.
Vui mừng về quy định mới được ban hành, chị Nguyễn Thu T. (cán bộ một cơ quan ở Hà Nội) cho biết, việc bỏ các quy định bắt buộc về tin học, ngoại ngữ là cần thiết bởi từ lâu 2 loại giấy tờ này như những thứ không có thì thiếu, có thì thừa, nhiều khi chỉ mang tính chất làm đẹp hồ sơ. Chưa kể đến việc, nhiều người không tự học mà đi mua dẫn đến những sự việc tiêu cực.
Từng trao đổi với báo chí về nội dung này PGS. TS. Bùi Thị An cho rằng, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức, viên chức là một quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt những áp lực với công chức, viên chức.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An cũng đồng tình với quan điểm của Bộ Nội vụ, dự thảo bỏ quy định bắt buộc không có nghĩa là những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học không còn quan trọng. Dự thảo chỉ bỏ những yêu cầu mang tính hình thức nhưng vẫn khuyến khích công chức, viên chức học tập, tự nâng cao, bồi dưỡng năng lực cần thiết về ngoại ngữ, tin học.