Chúc Sài Gòn ngủ ngon!

Có thể bắt đầu bằng một câu chuyện dài dòng để dẫn vào một bài hát khá đặc biệt.

Mới đây, khi tôi đặt mua chiếc đĩa than The Nylon Curtain của Billy Joeltrong một cửa hàng chuyên bán LP cũ trên mạng, người bán đĩa hỏi tôi có mua thêm các đĩa khác của Billy Joel hay không. Tôi bảo rằng mình chỉ muốn sở hữu album này, vì trong đó có bản Goodnight Saigon. Hôm sau, tôi nhận được đĩa. Đích thân người chủ cửa hàng đĩa đến trao tận tay. Trước khi rời đi, anh ta nhắn rằng, mình cũng thích bản ghi Goodnight Saigon.

The Nylon Curtain ra đời năm 1982, là album thứ 8 của Billy Joel. Một album thành công về số lượng ấn bản bán ra (2 triệu bản tại Mỹ), nhưng đáng chú ý hơn, vào thời điểm đầu thập niên 1980 những bản nhạc trong album này từ Laura, Pressure đến Where’s the Orchestra?... đều có màu sắc thất vọng, hẫng hụt và sâu xa hơn, là nỗi bất an về một đời sống suy thoái, cảm trạng bấp bênh của một thực tại và giấc mơ Mỹ.

Bìa LP The Nylon Curtain. Ảnh: NVN

Goodnight Saigon ra đời trong bối cảnh đó, nó được coi là ca khúc chệch ra ngoài dòng chủ đạo sáng tác của Billy Joel. Cụ thể, nó mang màu sắc chính trị. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, thứ chính trị mà người viết ca khúc này thể hiện lại không phải là “chính trị chọn bên” hay đảng phái, càng không phải (quá muộn để) cất một tiếng nói tố cáo theo hướng trực tiếp.

Cuộc chiến ở Việt Nam đã kết thúc 7 năm rồi. Trên đất nước bị biến thành kho bom đạn, và, ngay tại Sài Gòn - thành phố đi vào ca khúc - đã vội khoác lên một chiếc áo “thực tiễn” hoàn toàn khác khốc liệt chẳng kém: thời kỳ bao cấp, những cuộc vận động kinh tế mới, những mệnh lệnh học tập cưỡng bức và cả những ván cược tương lai đầy đau thương trên biển... Một Sài Gòn hòa bình nhưng có lẽ không thực sự ngủ ngon, nếu đặt cái nhìn từ chính Sài Gòn khi đó.

Còn trên đất Mỹ? Âm thanh đanh, gọn của piano trong đoạn intro của Billy Joel tựa nhịp gõ đều, tăng dần cao độ (tiếng quân đi hay tiếng búa đóng nắp quan tài?) sau tiếng cánh quạt trực thăng Bell UH-1 (Huey) xé gió. Âm thanh cuộc chiến đồng vọng mở đầu và kết thúc bài hát như một cấu trúc vòng tròn bùng lên, lan ra và rồi siết chặt ký ức.

Bản thân là người từng trốn lính, có lẽ Billy Joel kinh sợ và ngán ngẩm cái phi lý của chiến tranh. Người ta thường lấy chi tiết này trong tiểu sử của ông để giải thích cho việc ông không viết ca khúc liên quan chính trị. Nhưng trong bức tranh suy thoái của nước Mỹ đầu thập niên 1980, không thể chối bỏ một nỗi day dứt về những vết thương cuộc chiến vừa kết thúc ở Việt Nam.

Sự khủng hoảng tâm lý, ám ảnh cái chết, nỗi đau mất mát bạn bè đồng đội và sự trống rỗng tột cùng khi rút khỏi cuộc chiến... khiến nhiều cựu binh từng tham chiến rơi vào một hội chứng tâm lý khiến suy kiệt. Bi kịch này không còn ở bề mặt của thắng thua, chính nghĩa hay phi nghĩa, can dự hay kháng cự. Bi kịch này nằm ở bản chất của chiến tranh trong một nền văn minh bế tắc phải cần đến bom đạn.

Giai điệu có phần nghiêm trang, như một cuộc tưởng niệm. Ca từ bắt đầu bằng các câu hỏi: Remember Charlie?/ Remember Baker?/ They left their childhood/ On every acre/ And who was wrong? And who was right?/ It didn’t matter in the thick of the fight (tạm dịch: Có nhớ Charlie không?/ Có nhớ Baker không? Họ đã bỏ lại ngày tuổi thơ/ Trong mỗi bãi nghĩa trang/ Và ai từng đúng? Và ai đã sai?/ Có nghĩa gì đâu trong cuộc chiến tàn khốc).

Trong đoạn video ghi lại buổi ra mắt The Nylon Curtain năm 1982, Billy Joel ngồi trước cây piano và như muốn thét lên ở quãng cao những câu: And we were sharp as sharp as knives / And we were so gung ho to lay down our lives (tạm dịch: Và chúng tôi đã sắc, bén như những con dao/ Chúng tôi đâu quản ngại nằm xuống, bỏ đi đời mình). Billy Joel đã đi vào trong nỗi dằn vặt của những bạn bè ông trở về từ chiến trường Việt Nam, và có lẽ kho tàng tư liệu từ cuộc chiến cũng hãy còn nóng hổi để nhìn thấy và cảm nhận những tàn tro còn bỏng rát.

Billy Joel năm 1982. Ảnh tư liệu

Cuộc chiến đã kéo những con người “suy thoái cùng nhau”: And we would all go down together/ We said we’d all go down together/ Yes, we would all go down together.

Trong bản ghi The Nylon Curtain của nhà sản xuất Phil Ramone năm 1982, ta còn nghe thấy sự nuối tiếc và một sự tưởng niệm thay vì ngợi ca hay oán trách. Những đồng đội đã đến, gặp nhau ở một chiến trường xa lạ, đã nằm lại và đã rời xa, trong ký ức đã khép ấy, cuộc chiến là một kho tàng buồn bã của nước Mỹ và của nền văn minh. Rồi cái điệp khúc Còn nhớ Charlie không? Còn nhớ Baker không?... là những câu hỏi, vượt trên mọi đúng sai, khi số phận con người được đưa vào trong cỗ máy bất trắc của lịch sử, hoài phí và đầy hư vô.

Lời chúc Sài Gòn ngủ ngon từ nước Mỹ, là dành cho ai, phải chăng là lời gọi hồn cho Charlie, Baker hay cho những trang lịch sử đã khép? Một hồi thanh từ quá khứ hay đoạn hồi âm bi thảm từ bờ bên kia?

*

Bây giờ là tháng Tư. Người giao chiếc đĩa hát khuất dần sau con hẻm nhỏ Sài Gòn. Ánh mắt anh ta muốn nói với tôi rằng: “Tôi cũng như ông, đã nghe câu chuyện Sài Gòn từ một mốc thời gian và không gian khác...”.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuc-sai-gon-ngu-ngon-39362.html