Chưa dứt điệp khúc 'vừa thiếu, vừa ế' nhà ở xã hội
Một nghịch lý đang tồn tại là ở một số thành phố lớn, nguồn cung nhà ở xã hội quá ít, chỉ như muối bỏ biển, song lại có nhiều dự án xây lên nhưng không thể bán được hoặc bán rất khó.
Sở Xây dựng Đà Nẵng vừa thông báo mở bán 250 căn hộ nhà ở xã hội tại lô đất B4-1 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Hầu hết các căn được rao bán là hàng "tồn kho" còn lại từ các đợt mở bán trước, giá từ 540 triệu đồng/căn.
Theo tìm hiểu, dự án bao gồm 4 tháp chung cư (CT1, CT2, CT3, CT4) cùng một tầng hầm chung, với tổng số 1.549 căn hộ. 250 căn hộ được mở bán trong đợt này có diện tích từ 36,7 – 70m2, bình quân 1 - 3 phòng ngủ, với giá sau thuế từ 540 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
Vào đầu tuần trước (ngày 18/2), ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, đã ký điều chỉnh thông báo về nhà ở xã hội có sẵn đủ điều kiện bán tại công trình chung cư thuộc lô đất B4-1, Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside.
Theo đó, đến nay chủ đầu tư còn 250 căn hộ chưa bán được. Căn cứ quy định Luật Nhà ở năm 2023 và đề nghị xác nhận của chủ đầu tư để tiếp tục đợt mở bán mới, đối với 250 căn hộ chưa bán được trong những đợt trước.

Nhà ở xã hội vẫn tồn tại nghịch lý "vừa thiếu lại vừa ế".
Có thể thấy, bất chấp cơn khát nhà ở tại các thành phố lớn đang lên đến đỉnh điểm, bài toán nhà ở xã hội “vừa thiếu vừa thừa” vẫn đang chưa có lời giải hết.
Thời gian qua, dù cầu vẫn đang vượt rất xa cung, song không ít dự án nhà ở xã hội sau khi hoàn thành không thể bán được do những vấn đề về vị trí, chất lượng, tiện ích và cả giá bán.
Không chỉ ở Đà Nẵng với dự án nêu trên, mà không ít dự án nhà ở xã hội tại nhiều địa phương khác cũng tồn tại nghịch lý "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu". Điển hình, Tổ hợp dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức, Hà Nội) từng gây xôn xao khi mở bán hơn 20 đợt nhưng vẫn ế hàng chục căn.
Trao đổi với Vnbusiness, ông Quân, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 450 căn hộ tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, làm nhà ở xã hội rất khó, và không phải cứ làm ra là bán được. Dù dành cho người thu nhập thấp, nhưng chất lượng và vị trí vẫn phải đảm bảo.
Thời gian qua, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được hỗ trợ về quỹ đất, nhưng vì các địa phương thiếu sự quan tâm nên nhiều doanh nghiệp phải xếp hàng chờ “dài cổ” vẫn không đến lượt, hoặc có đơn vị sau khi được gọi tên thì được bố trí quỹ đất quá xấu, có tiền cũng không dám nhận vì sợ làm xong bán không ai mua.
“Biết là đất ưu đãi thì không nên đòi hỏi nhiều, nhưng ít ra thì cũng cần có những điều kiện tối thiểu là có đường giao thông kết nối, không quá xa các khu dân cư, công sở, trường học. Hoang vắng quá thì khó thu hút dân đến ở, doanh nghiệp tâm huyết cũng không dám làm”, ông Quân chia sẻ.
Có thể thấy, các chính sách phát triển nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh, tuy nhiên, để hóa giải nghịch lý “vừa thừa, vừa thiếu”, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thì “ế” trong khi người dân lại mòn mỏi xếp hàng đợi, các chuyên gia khẳng định cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định.
TS. Trần Xuân Lượng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đề xuất 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần có quỹ đất sạch bố trí cho nhà đầu tư. Thứ hai, giảm các thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội; ưu tiên về pháp lý, thủ tục thẩm tra, thẩm định. Thứ ba, tháo gỡ các vấn đề về nguồn vốn, ngoài nguồn vốn từ bán nhà ở hình thành trong tương lai, huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài, từ lượng kiều hối… Thứ tư, giảm lãi suất ưu đãi xuống thấp hơn.
Trong khi đó, theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Luật Nhà ở sửa đổi lần này cần theo hướng Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về quỹ đất đai. Các chính sách về quỹ đất phải đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội là chính sách kinh tế nhân văn mang tính chất ổn định an sinh xã hội, không phải từ thiện. Dù là sản phẩm cho người có thu nhập trung bình thì quỹ đất sạch cũng cần thỏa mãn điều kiện về an sinh, bởi vậy nên là đầu tư công, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Đến nay, trên cả nước đã triển khai 644 dự án nhà ở xã hội với quy mô 580.109 căn, trong đó 96 dự án đã hoàn thành, cung cấp 57.652 căn; 133 dự án đang được khởi công với quy mô 110.217 căn và 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 412.240 căn. Ngoài ra, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã được triển khai với 16 dự án ký kết hợp đồng vay vốn, tổng mức cam kết cấp tín dụng đạt 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng.
Năm 2025, căn cứ từ số liệu các địa phương đã đăng ký, Bộ Xây dựng dự kiến cả nước sẽ hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội. Cùng đó, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên mức 27m2 sàn/người; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%...