Chú trọng phát triển giao thông nông thôn

Xác định rõ tầm quan trọng của giao thông nông thôn (GTNT) trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua tỉnh Điện Biên chú trọng huy động, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng hệ thống GTNT đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân.

Những năm qua, huyện Tủa Chùa quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.

Những năm qua, huyện Tủa Chùa quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của chính quyền địa phương, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức để xây dựng, mở rộng đường GTNT. Nhờ đó, những năm gần đây đã có hàng trăm ki lô mét đường GTNT được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hạ tầng GTNT vẫn còn hạn chế, nhiều tuyến đường liên xã chưa được đầu tư, hoặc đã xuống cấp, hư hỏng.

Xác định phát triển hạ tầng GTNT là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông về xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp đã ưu tiên, lồng ghép các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đã có hàng nghìn mét đất được người dân hiến và đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động xây dựng, sửa chữa các tuyến đường GTNT.

Đơn cử, bình quân mỗi năm huyện Mường Nhé đã huy động được hơn 4.000 ngày công từ Nhân dân, đầu tư xây dựng mới gần 30km đường GTNT. Năm 2002 (năm thành lập huyện), hệ thống giao thông ở Mường Nhé chủ yếu là đường đất, chỉ có thể đi lại vào mùa khô. Đến nay toàn huyện có hơn 235km đường liên xã và hơn 300km đường liên thôn, bản; trong đó có 9/11 tuyến đường xã được rải nhựa hoặc bê tông (đạt 81,8%). Qua đó không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mà còn góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng khu vực biên giới.

Hệ thống đường giao thông bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé được đầu tư đồng bộ.

Hệ thống đường giao thông bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé được đầu tư đồng bộ.

Nhờ huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đến nay toàn tỉnh có hơn 2.700km đường giao thông liên xã (trong đó có 1.300km đường bê tông xi măng, bê tông nhựa và đá nhựa), gần 2.300km đường giao thông thôn bản và gần 1.500km đường giao thông nội đồng. Toàn tỉnh có 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 92/115 xã có đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm; có 68/115 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay hệ thống hạ tầng GTNT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một số tuyến liên xã xuống cấp hoặc thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa, hạn chế việc thu hút các nhà đầu tư. Một số xã chưa được đầu tư cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã, mùa mưa ô tô không vào được trung tâm xã.

Hiện nay, GTNT trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là đường cấp phối và đường đất; trong đó đường xã còn hơn 1.432km là đường cấp phối, đất; đường thôn, xóm còn gần 1.200km và đường nội đồng hơn 1.300km.

Tuyến đường GTNT vào trung tâm xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên xuống cấp.

Tuyến đường GTNT vào trung tâm xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên xuống cấp.

Điển hình, tại các xã Tìa Dình, Háng Lìa, Xa Dung, Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông), hiện nay phần lớn các tuyến đường liên xã, liên bản chưa được đầu tư, chỉ là đường cấp phối, đường đất tạm đã xuống cấp. Đặc biệt, tuyến đường vào xã Xa Dung, nhất là đoạn từ ngã tư Phì Nhừ đi xã Xa Dung có tổng chiều dài 28,8km còn 22km là đường cấp phối. Tuyến đường được đầu tư từ năm 1998, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn mặt đường bị mưa lũ cuốn trôi trơ lại phần đá hộc. Hệ thống rãnh dọc bị đất đá sạt lở vùi lấp. Địa phương đã nhiều lần khắc phục tạm thời bảo đảm thông tuyến nhưng vào mùa mưa lại bị cuốn trôi do độ dốc quá lớn.

Tại huyện Tủa Chùa tuyến đường vào trung tâm xã Huổi Só dài hơn 50km, trong đó có 25km đường đất và cấp phối được đầu tư từ những năm 2000, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, phát triển kinh tế của địa phương.

Tuyến đường vào trung tâm xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé thường xuyên xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Tuyến đường vào trung tâm xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé thường xuyên xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Theo đánh giá của các địa phương, nguyên nhân do số ki lô mét đường GTNT lớn, suất đầu tư cao, trong khi đó ngân sách Nhà nước phân bổ còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống người dân còn khó khăn nên việc huy động sức dân để xây dựng đường giao thông khó. Ngoài ra, các tuyến GTNT chủ yếu được nâng cấp trên tuyến đã có sẵn, nên các tiêu chuẩn kỹ thuật phần lớn chưa đạt về bề rộng nền và mặt đường, không có lề đường, rãnh thoát nước dọc, không có hệ thống cọc tiêu, biển báo. Đặc biệt, hàng năm thiên tai làm hệ thống GTNT bị hư hỏng nhiều.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa hoặc nhựa hóa 100% hệ thống đường xã; đảm bảo các xã có đường giao thông đi lại thuận tiện trong 4 mùa. Nâng cấp các tuyến đường trục thôn, bản đạt tỷ lệ cứng hóa khoảng 90%, gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh xác định sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực kiên cố hóa GTNT, góp phần hoàn thiện tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/215335/chu-trong-phat-trien-giao-thong-nong-thon