Chủ tịch UBND Tp.HCM kêu gọi người dân đóng góp vào các dự án lớn
Ngày 3/10, tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam Tp.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi đã có phần báo cáo, trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội thành phố.
Tại Đại hội, ông Mãi cho biết theo dự kiến Tp.HCM sẽ đạt 14/22 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XI, 5 chỉ tiêu phấn đấu đạt. Ngoài ra, có 3 chỉ tiêu khó đạt là GRDP bình quân hằng năm, tổng vốn đầu tư xã hội và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.
Bên cạnh đó Tp.HCM xây dựng 5 chiến lược tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Tp.HCM là đô thị toàn cầu, hấp dẫn và bền vững; trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng sống cao; phát huy vai trò của Tp.HCM là hạt nhân của vùng Đông Nam bộ và cực tăng trưởng của cả nước.
Chủ tịch UBND Tp.HCM nêu rõ các đột phá để thực hiện các tầm nhìn mà TP hướng đến. Một là hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược. Hai là huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, tái cấu trúc không gian đô thị. Trong đó, nhân dân có thể đóng góp trực tiếp vào các dự án, công trình lớn của thành phố như đường Vành đai 4, đường sắt đô thị.
Chủ tịch UBND Tp.HCM thông tin thêm về việc người dân có thể đóng góp trực tiếp vào các dự án, công trình lớn của thành phố. Theo đó, hiện Tp.HCM đang có tuyến metro 1 với 20km và phấn đấu đến năm 2035 có 183km đường sắt đô thị. Dự kiến, Tp.HCM cần 36 tỷ USD để thực hiện. Cụ thể, từ giờ đến năm 2030 chỉ xây dựng khoảng 31km, nhưng giai đoạn từ 2030-2035 phải xây nhanh hơn khi công tác chuẩn bị trước đó đã xong. Đường sắt đô thị là một dự án rất lớn. Do đó, nếu có quyết tâm huy động sức dân đóng góp xây dựng thành phố thì thành phố sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị để bà con mua trái phiếu, đóng góp kinh phí để thành phố triển khai dự án.
Trong giai đoạn đầu tư thì thành phố cần lượng vốn rất lớn trong khi chưa có được nguồn thu ngay thì buộc phải vay và trả sau bằng hiệu quả của dự án. “Tp.HCM có được cơ chế phát hành trái phiếu, do đó thành phố có thể phát hành trái phiếu đường sắt đô thị thành phố”. Ông Mãi nêu và cho biết thành phố sẽ tính toán hiệu quả bằng cách khai thác các quỹ đất xung quanh các tuyến và sau này sẽ trả lại, cộng với tác động về kinh tế - xã hội cũng sẽ rất tốt.
Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng, bà con nhân dân gửi tiền ngân hàng thì lãi suất có thể sẽ cao hơn, còn mua trái phiếu đường sắt đô thị thì lãi suất sẽ thấp hơn, tuy nhiên đây là sự đóng góp xây dựng thành phố. “Với sức của nhân dân thành phố, chúng ta có thể làm được việc rất lớn lao, có thể làm được dự án hàng trăm tỷ USD. Tôi có một niềm tin mạnh mẽ như thế”, ông Mãi bày tỏ.
Thành phố được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư và đang ở bước xây dựng, hoàn thiện đề án.
Tại đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, Tp.HCM đề xuất Trung ương cho 14 cơ chế, trong đó có một số nội dung giúp thành phố huy động được vốn để làm 200 km metro. Cụ thể, cho phép Tp.HCM và Hà Nội thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình TOD (phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở) ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó TP cũng kiến nghị Trung ương cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công... để đầu tư mạng lưới metro. Lãi suất trái phiếu do hai địa phương tự quyết định, đảm bảo trên cơ sở khả năng thanh toán trả nợ.