Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với bão số 3
Chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), ngày 7/9, đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã kiểm tra thực tế và cho ý kiến chỉ đạo các công việc chủ động ứng phó với bão số 3 tại một số địa phương trong tỉnh.
Cùng đi có Đại tá Nguyễn Đình Cương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Giao thông vận tải, Văn phòng UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tại Trạm bơm tiêu Sơn Tình. Trạm bơm này hiện có 10 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 3,33m3/giây, tiêu úng cho trên 7.450ha, trong đó có trên 3.600ha diện tích đất nông nghiệp của 16 xã huyện Cẩm Khê. Chủ động ứng phó với bão số 3, Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đã vận hành 3/10 máy bơm để tiêu nước đệm.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang biểu dương tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai của cán bộ, nhân viên Công ty và yêu cầu Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ tiếp tục bám nắm diễn biến, tình hình bão số 3, phân công cán bộ trực 24/24h, kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng máy bơm, khơi thông dòng chảy, sẵn sàng bơm tiêu úng khi mưa to, không để xảy ra tình trạng ngập úng bảo vệ mùa màng, thủy sản cho Nhân dân.
Kiểm tra khu vực sạt lở bờ, vở sông tại khu 3 xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang yêu cầu chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, phân công cán bộ trực, tuyên truyền không cho người và gia súc vào khu vực sạt lở. Hiện tại, chiều dài sạt lở khoảng 200m, vở lở cao 5-6m; vị trí sạt lở gần nhất cách đê hữu Thao khoảng 20m.
Trong khu vực sạt lở có 10 hộ dân sinh sống, trong đó, 2 hộ dân vị trí sạt lở đã giáp công trình phụ, nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến nhà khi có mưa lũ xảy ra, vì vậy, chính quyền địa phương và gia đình cần chủ động di chuyển đồ đạc để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Sở NN&PTNT, huyện Hạ Hòa cử cán hộ theo dõi chặt chẽ diễn biến khu vực sạt lở, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có phương án xử lý.
Để chủ động phòng, chống và ứng phó bão số 3 tại huyện Hạ Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Tác động của bão số 3 là rất khó lường, gió giật kèm mưa lớn kéo dài, trên diện rộng vì vậy các địa phương và người dân cần chủ động trong ứng phó với hoàn lưu bão như: Đặt bao tải cát, bao tải nước chèn trên mái tôn như tại địa phương là một cách làm hiệu quả cần nhân rộng để chống tốc mái.
Kiểm tra khu vực sạt lở cống ngòi Duỗn tại Km6+300 đê hữu sông Chảy, xã Phú Lâm, huyện Đoan Hùng, Chủ tich UBND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Hiện tại, chiều dài sạt lở khoảng 400m, vở lở cao (8-10)m, vị trí sạt lở gần nhất cách chân đê hữu Chảy khoảng 35m, làm cuốn trôi khoảng 1ha đất bãi trồng hoa màu của người dân.
Do điều tiết hồ thủy điện Thác Bà và đặc điểm địa chất khu vực sạt lở chủ yếu là đất cát pha, vị trí trên nguy cơ vẫn tiếp tục bị sạt trượt, UBND tỉnh đã có quyết định cho xử lý khẩn cấp, Sở NN&PTNT đã lựa chọn xong các nhà thầu tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, giám sát thi công và bảo hiểm công trình. Vì vậy, cùng với theo dõi sát sao tình trạng sạt lở, Sở NN&PTNT cần huy động nhân lực, phương tiện, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công khu vực sạt lở cống ngòi Duỗn đảm bảo tiêu úng kịp thời cho 500ha lúa của huyện Đoan Hùng và một số xã của huyện Hạ Hòa.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 với tinh thần chủ động cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo rà soát toàn bộ các nội dung, phương án chuẩn bị ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với diễn biến cơn bão số 3 và điều kiện thực tế. Đặc biệt là phương án ứng phó với mưa lũ lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất... theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác thường trực, trực ban; theo dõi sát thông tin dự báo, cảnh báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ trên địa bàn, kịp thời thông tin cảnh báo đến các xã, phường, thị trấn và người dân để chủ động phòng, tránh, ứng phó.
Đặc biệt, cần triển khai ngay lực lượng xung kích khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, xung yếu, khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu. Chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn.
Chủ động vận hành, điều tiết nước và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ chứa và hạ du nhất là các tuyến đê xung yếu, các cống dưới đê bị sự cố, các hồ chứa lớn, các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa xung yếu, công trình đang thi công.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, diễn biến thời tiết, chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chức năng được phân công; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.