Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024.
Sáng 29/9, tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp giả định.
Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ ngành và 306 đại biểu Quốc hội trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố.
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại phòng họp Diên Hồng.
Theo lịch làm việc, phiên chất vấn sáng này 29/9 đã có 268 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 138 đại biểu Quốc hội trẻ em đăng ký phát biểu với vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường”, 130 đại biểu Quốc hội trẻ em đăng ký phát biểu với vấn đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”. Đã có 15 đại biểu thực hiện quyền chất vấn (11 đại biểu chất vấn và 04 đại biểu tranh luận) với Bộ trưởng Bộ Giáo dục trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trẻ em giả định, Bộ trưởng Y tế trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Công Thương trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Công an trẻ em giả định.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 của các ĐBQH trẻ em sôi nổi với những câu hỏi, câu chất vấn. Tuy là phiên họp giả định, nhưng đó cũng chính là mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em với 2 vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” giả định Lê Gia Vinh phát biểu, điều hành phiên chất vấn
"Quốc hội trẻ em" đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về hai chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Các đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”
Tại phiên họp, các đại biểu đã được Ban Tổ chức thông tin, báo cáo về kết quả giải quyết những nội dung kiến nghị của trẻ em tại phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023; công tác chuẩn bị phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II và các hoạt động diễn ra tại phiên họp trong 2 ngày 27/9 - 28/9; theo dõi phóng sự báo cáo công tác phòng chống bạo lực học đường; phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục trẻ em giả định trả lời chất vấn về các vấn đề nóng của ngành.
Liên tục có những tấm bảng tranh luận với các Bộ trưởng được đưa ra tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em".
Bên cạnh đó, ở Phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội trẻ em giả định đã tham gia phát biểu các ý kiến, nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương với 2 vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”, làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm.
Phát biểu tại phiên họp giả định về “Phòng, chống bạo lực học đường”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Trả lời chất vấn vừa rồi, nói là giả định nhưng vấn đề không giả định, đó là vấn đề có thật. Tôi đánh giá cao những ý kiến của cả người hỏi và chia sẻ với người trả lời. Tôi thấy các em đã hỏi và bày tỏ hiểu về con số cũng như là những giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thật đã đề cập, triển khai. Chúng ta phải cùng nhau khẳng định một cách dứt khoát rằng, trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực, tệ nạn và những nguy cơ đối với học sinh."
Còn với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tuy tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, nhưng Bộ trưởng lại có cảm giác như đang tham gia một phiên chất vấn thực sự: "Các ý kiến hỏi cũng như trả lời của các Đại biểu trẻ em rất là nghiêm túc và trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề của trẻ em. Chủ đề ngày hôm nay chúng tôi thấy rất thiết thực với cả trẻ em hiện nay. Các vấn đề liên quan tới việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các chất kích thích như rượu bia, thậm chí có cả ma túy cũng là mối đe dọa rất lớn tới sức khỏe của trẻ em nói chung, cũng như là chất lượng dân số, giống nòi của đất nước chúng ta."
Với tư cách là Đại biểu Quốc hội trẻ em của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, em Nguyễn Trà My, lớp 8 B3, Trường THCS Vinschool Times City bày tỏ: "Trong phiên họp ngày hôm nay, mọi người đã thảo luận rất sôi nổi và cũng có rất nhiều cuộc tranh luận hay và thú vị. Phiên họp này thì em đã mở rộng được tầm nhìn và sự hiểu biết của em về chính những vấn đề của em và của các bạn của em. Em hy vọng, những ý kiến đóng góp và tiếng nói của các em sẽ được các bộ, ngành lắng nghe và quan tâm hơn, có các giải pháp từ những ý kiến của chúng em, để có thể chấm dứt những vấn đề trong lứa tuổi của chúng em."
Sau khi dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn giả định, trò chuyện với các Đại biểu Quốc hội trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh và đánh giá cao Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến tổ chức với các cơ quan tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” với mong muốn thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội; khơi dậy trong trẻ em khát vọng cống hiến, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành công dân có trách nhiệm, vừa có đức vừa có tài, có ước mơ, hoài bão lập nghiệp trong tương lai và đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn thanh niên, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em. Rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt là giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các ĐBQH trẻ em đã nêu tại diễn đàn hôm nay. Các em đã nêu thực trạng, đưa ra giải pháp rất thiết thực, cụ thể.
Nhấn mạnh câu, “Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các thầy cô giáo tạo điều kiện, tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, giúp các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui, gặt hái nhiều thanh công trong học tập. Cộng đồng xã hội nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, dành sự thương yêu và chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em, bảo vệ trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, góp phần xây dựng thế hệ tương lai đất nước phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh đó, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai đã lựa chọn 2 chủ đề là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” rất thiết thực, được dư luận xã hội quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp Đoàn, Đội, cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ trẻ em và phát huy quyền tham gia của trẻ em trong đời sống xã hội.
Các đại biểu nhỏ tuổi chụp hình lưu niệm với Nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong tất cả các cháu thiếu nhi trên cả nước luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.