Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cơ quan báo chí tại ATK Định Hóa

Sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng một nền báo chí cách mạng với đội ngũ nhà báo có bản lĩnh chính trị, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó. Một trong những nơi ghi đậm dấu ấn về sự ra đời của các cơ quan báo chí trong nước là Thái Nguyên.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa.

Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21/6/1925, đây là sự kiện đánh dấu việc hình thành dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay đã trải qua 97 năm, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về loại hình, chất lượng, quy mô và số lượng.

Cùng với quá trình lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Thái Nguyên vinh dự là “cái nôi” của nền báo chí cách mạng, nơi ghi dấu sự ra đời của nhiều cơ quan báo chí lớn, như: Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Văn nghệ cứu quốc và Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Và Thái Nguyên cũng là nơi trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra nhiều sự kiện báo chí quan trọng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng được thành lập trong cả nước, báo chí cách mạng cũng đánh dấu một bước phát triển mới với sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến. Nhiều cơ quan báo chí cách mạng quan trọng đã ra đời tại núi rừng ATK Thái Nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu quốc đứng ra tổ chức, điều hành công việc thành lập Hội những người viết báo Việt Nam.

Ngày 4/4/1949, tại Việt Bắc, với sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí kháng chiến đã mở lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, thu hút gần 50 học viên. Đây là trường học về báo chí đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhằm đào tạo cán bộ cho phong trào báo chí đang phát triển mạnh mẽ. Tháng 6-1949, trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 điểm chính của báo chí cách mạng:

“1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung;

2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì;

3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân thi đua ái quốc. Vì vậy;

4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình, thì;

5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và;

6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.

Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc (Ðịnh Hóa) đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng, các đồng chí Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó gia nhập Mặt trận Liên Việt. Việt Bắc trở thành cái nôi của báo chí kháng chiến với sự ra đời của các báo: Sự Thật, Cứu quốc, Độc lập, Lao động, Vệ quốc quân, Văn nghệ, Phụ nữ, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tháng 2-1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng quyết định ra một tờ báo mới làm cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng, kế tục sự nghiệp báo Sự Thật, lấy tên là Nhân Dân. Ban Biên tập đầu tiên của báo Đảng gồm 8 người thì có 5 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương, gồm các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh và Lê Văn Lương.

Báo Nhân Dân ra đời, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các tờ báo: Thanh Niên, Tranh Đấu, Cờ Giải Phóng, Sự Thật. Trước đó, báo Sự Thật ra mỗi tháng hai kỳ, khổ nhỏ, in tại Nhà in Lê Hồng Phong, đặt tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Máy nhỏ, công suất yếu, nằm sâu trong rừng, không tiện việc vận chuyển vật liệu, phát hành. Do đó, Trung ương quyết định xây dựng một nhà in tương đối lớn (trong điều kiện kỹ thuật lạc hậu lúc ấy) dưới chân Đèo Khế, xã Văn Lãng (Đại Từ).

Báo Nhân Dân số 1 đã dành toàn bộ nội dung cho Đại hội lần thứ II của Đảng. Trang 1 số đầu in măng sét đỏ, đăng Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, tranh khắc gỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh (do họa sĩ Lê Minh Hiền từ miền Nam ra, vẽ tại Đại hội lần thứ II của Đảng); bài ký tên Tổng Bí thư Trường Chinh, với đầu đề “Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta”. Những tờ báo đầu tiên của số 1 Báo Nhân Dân vừa được in ra đã có các chiến sĩ quân bưu và giao thông hỏa tốc chuyển đến các mặt trận, vùng tự do và vùng sau lưng địch, đưa nghị quyết của Đảng đến với đồng bào, chiến sĩ.

Ngày 20/10/1950, sau gần 3 tháng chuẩn bị, Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên tại bản Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa). Trên trang nhất của số báo đầu tiên đăng trang trọng Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác… Những lời căn dặn của Người đã trở thành cẩm nang cho những người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình báo chí cho đến ngày nay.

PGS.TS Doãn Thị Chín, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/chu-tich-ho-chi-minh-voi-cac-co-quan-bao-chi-tai-atk-dinh-hoa-302350-97.html