Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Dịch bệnh Covid-19 tuy đã được khống chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Mùa hè cũng là mùa của nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm. Bệnh viêm gan bí ẩn, bệnh đậu mùa khỉ dù tại Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nhưng cũng đang dấy lên nhiều lo ngại. Mùa hè, người dân cần chủ động phòng bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm để có một sức khỏe tốt.
Dịch bệnh Covid-19 tuy đã được khống chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Mùa hè cũng là mùa của nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm. Bệnh viêm gan bí ẩn, bệnh đậu mùa khỉ dù tại Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nhưng cũng đang dấy lên nhiều lo ngại. Mùa hè, người dân cần chủ động phòng bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm để có một sức khỏe tốt.
Nhiều nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm
Theo bác sỹ Vũ Thị Lan, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) Hà Nam, hiện tại ngoài dịch Covid-19 tuy đã được khống chế nhưng vẫn còn rải rác ca bệnh, còn có các bệnh truyền nhiễm theo mùa cần phải chú ý. Đó là các bệnh lây theo đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng (TCM), sởi, cúm, viêm não Nhật Bản,… Thời tiết nóng ẩm của mùa hè là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, đặc biệt là các loại bệnh trên thường có số ca mắc cao và có thể bùng phát thành dịch lớn.
Năm 2021, cùng với dịch Covid-19, dịch SXH bùng phát mạnh, đặc biệt là ở TP Phủ Lý. SXH dễ tái bùng phát ở các ổ dịch cũ. Tuy từ đầu năm 2022 đến nay toàn tỉnh mới ghi nhận 3 ca SXH (ở TP Phủ Lý và huyện Kim Bảng), nhưng nguy cơ bùng phát dịch trong mùa nóng ẩm là rất cao. Vừa qua, Trung tâm KSBT tỉnh đã tổ chức đi giám sát chỉ số bọ gậy, mật độ muỗi gây bệnh SXH tại 6 phường, xã năm ngoái có số ca SXH nhiều của TP Phủ Lý. Tại các điểm giám sát đều có ghi nhận muỗi mang mầm bệnh.
Bệnh viêm não Nhật Bản cũng do muỗi đốt gây ra. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa, chim hoang dã. Muỗi bị nhiễm vi rút gây bệnh sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Ở nước ta, loài muỗi Culex truyền bệnh này xuất hiện đa số ở miền Bắc, tăng nhiều vào những tháng thuộc mùa nóng, nhất vào mùa hè và hoạt động mạnh vào buổi tối. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm não Nhật Bản là trẻ em do có hệ miễn dịch yếu hơn người lớn. Ở Hà Nam từ năm 2020 đến nay có 4 ca viêm não Nhật Bản lẻ tẻ. Điều cần lưu ý là bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân nếu có qua được hầu hết mang di chứng nặng nề suốt đời.
Bệnh TCM, sởi hằng năm trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện số ca tương đối. Bệnh viêm gan bí ẩn, bệnh đậu mùa khỉ dù ở Việt Nam chưa xuất hiện ca bệnh, nhưng nguy cơ ca bệnh xâm nhập là khá cao. Hậu quả của hai căn bệnh này cũng thực sự khủng khiếp, đặc biệt bệnh viêm gan bí ẩn đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em.
Cần sự chủ động phòng bệnh từ mỗi người dân
Hiện tại Trung tâm KSBT tỉnh đã có công văn gửi trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2022. Theo đó, yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy, SXH, viêm não, sởi, cúm, TCM,… để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc đầu tiên, không để lây lan thành dịch. Cùng với đó, rà soát, thống kê, tổ chức tiêm vét cho các đối tượng để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các vắc - xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trung tâm cũng ban hành công văn riêng chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống bệnh SXH. Theo đó, chỉ đạo y tế tuyến xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch SXH như: Tổ chức giám sát véc tơ gây bệnh, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ cao. Phối hợp với chính quyền tổ chức diệt loăng quăng, bọ gậy, bảo đảm tất cả các hộ gia đình ở vùng có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy. Khi phát hiện ổ dịch phải phun thuốc diệt muỗi ở 100% hộ gia đình trong khu vực, phun đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau khi phun…
Bệnh viêm gan bí ẩn, đậu mùa khỉ, ngành y tế cũng đã có công văn hướng dẫn việc giám sát, kịp thời phát hiện ca bệnh nếu có; tuyên truyền để người dân tăng cường các biện pháp phòng bệnh.
Bác sỹ Vũ Thị Lan, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm KSBT Hà Nam cho biết: Ý thức của mỗi người dân, gia đình trong phòng dịch rất quan trọng. Trong các văn bản gửi các đơn vị tuyến dưới, đối với các dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè, Trung tâm KSBT yêu cầu tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường dự phòng lây nhiễm, đặc biệt chú ý đến công tác tiêm chủng mở rộng. Đối với bệnh SXH, yêu cầu người dân chủ động thu dọn vật dụng chứa nước đọng, đậy kín hoặc thả cá vào các vật dụng chứa nước sinh hoạt để muỗi không có chỗ đẻ trứng, hoặc có đẻ vào sẽ bị cá ăn.
Bác sỹ Vũ Thị Lan chia sẻ thêm, năm ngoái ở Phủ Lý dịch SXH bùng phát mạnh, nhiều khu vực vệ sinh sạch sẽ, phun hóa chất nhiều lần nhưng vẫn có bệnh nhân mới. Nguyên nhân có thể là do vẫn có gia đình chưa thực sự tuân thủ việc tiêu diệt muỗi, bọ gậy tại nơi ở. Hóa chất phun chỉ một thời gian ngắn, hoặc gặp mưa là hết tác dụng. Trong khi đó có khi chỉ cần một vật dụng đọng nước là muỗi gây bệnh đã có thể sinh sản. Muỗi truyền bệnh SXH bay cỡ 200m. Cả xóm nhiều hộ vệ sinh sạch sẽ, nhưng chỉ cần một hộ không làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn thì vẫn tồn tại muỗi gây bệnh và lây cho cả khu. Hoặc người dân khu vực đó đến khu vực khác bị muỗi mang mầm bệnh ở khu vực đó đốt và mắc bệnh. Vì thế, mỗi người dân ở các khu dân cư cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho mình, cho gia đình, cho cộng đồng thì chắc chắn dịch bệnh truyền nhiễm sẽ được hạn chế.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/y-te/chu-dong-phong-chong-dich-benh-mua-he-62865.html