Chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa

Thời tiết chuyển mùa, cũng là thời điểm mà cảm cúm và các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, đặc biệt là virus cúm. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn), thời gian gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân có các triệu chứng như: Sốt, ho, viêm đường hô hấp đến khám, điều trị.

Anh Hoàng Thanh Hóa ở xã Chu Hương (Ba Bể) có con hơn 02 tuổi mắc cúm A cho biết: "Khi cháu có dấu hiệu bị cúm. Tôi không nghĩ cúm A lại diễn biến nhanh đến thế. Đến bệnh viện mới biết và được các bác sĩ điều trị kịp thời, nên con tôi đã cắt sốt, đỡ mệt mỏi và ăn uống được”.

Trích phát biểu bệnh nhân và tư vấn điều trị của bác sĩ

Còn tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn, số bệnh nhân vào Khoa Truyền nhiễm kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS cũng tăng đáng kể. Bác sĩ Hà Thị Hồng Duyên, Khoa Truyền nhiễm kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS cho biết: Thông thường, trẻ được đưa đến viện đều trong tình trạng sốt rất cao không hạ, mệt mỏi. Căn cứ vào tình hình, triệu chứng của trẻ, những trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ cho nhập viện; trường hợp nhẹ thì kê đơn uống thuốc, đồng thời khuyến cáo phụ huynh chủ động các biện pháp phòng, chống, giảm lây nhiễm cho những người xung quanh. Với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhiều người bệnh thường chủ quan, dẫn đến các biến chứng khi nhiễm cúm A, B. Vì vậy, nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm.

Bác sĩ thăm, khám bệnh nhân tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn

Bác sĩ thăm, khám bệnh nhân tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn

Nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh cúm mùa gia tăng là do thời tiết giao mùa, nồm ẩm kéo dài là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển, lây lan. Cúm là bệnh lý quen thuộc và thường có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh nên người dân thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng tránh.

Bác sĩ Hoàng Thị Huệ, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khuyến cáo: Khi người dân có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Cùng với đó, virus cúm biến đổi liên tục hằng năm, nên việc chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch để tăng cường miễn dịch phòng chống bệnh, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất./.

Lý Dũng - Việt Bắc

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/chu-dong-phong-chong-benh-cum-mua-post58001.html