Chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh

Năm 2023, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thái Nguyên tăng đột biến. Theo đó, tỉnh phát hiện trên 393 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 285 ca so với năm trước; 470 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 205 ca...

Việc kiểm tra, giám sát khu vực cách ly để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được ngành chức năng của Thái Nguyên quan tâm. Trong ảnh: Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra khu cách ly tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, nơi phát hiện ca bệnh bạch hầu hồi tháng 9-2023.

Là tỉnh nằm trong khu vực nóng ẩm, mưa nhiều nên Thái Nguyên có nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm. Cụ thể là các loại bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, chân tay miệng; các bệnh dự phòng bằng vắc-xin như bạch hầu, ho gà, uốn ván; các bệnh nguy hiểm mới xâm nhập từ nước ngoài như đậu mùa khỉ; bệnh lây từ động vật sang người như dại, than, liên cầu lợn; dịch COVID-19...

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch ngày càng tăng cao; diễn biến thời tiết thay đổi khó lượng là các điều kiện làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.

Thực hiện phương châm phòng hơn chống, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới với quan điểm phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở; tập trung chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại những nơi công cộng, tập trung đông người và tại các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội; thực hiện “Phong trào toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe”.

Tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm (như cúm, sởi…) cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh cũng là một yêu cầu đang được đặt ra với tỉnh. Nhất là việc xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt tại các vùng khó khăn, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch.

Hiện là thời điểm giao mùa nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tại các trường học là rất lớn. Do đó, ngành Y tế cũng đã phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo nhằm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Thầy giáo Hà Quang Đỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lương, nói: Để dự phòng lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, Nhà trường đã tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thông qua các tiết sinh hoạt tập thể, chào cờ… Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với những giải pháp trên, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch; phòng, chống dịch bệnh không để lây từ động vật, thực phẩm sang người. Đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại địa phương cũng như chủ động nguồn nhân lực, vật lực, thuốc… để ứng phó kịp thời khi có tình huống cấp bách xảy ra.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202403/chu-dong-phong-benh-hon-chua-benh-0c8154c/