Chớp cơ hội kinh doanh từ 'ngôi sao đang lên của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương'

'Kinh doanh tại Việt Nam: Chớp lấy ngôi sao đang lên của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương' là tiêu đề bài phân tích của chuyên gia về thương mại quốc tế Carol Fragiskos, thuộc Cơ quan phát triển xuất khẩu (EDC) của chính phủ Canada.

 Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN và thứ 40 thế giới, năng động và có độ mở cao, với quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 toàn cầu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN và thứ 40 thế giới, năng động và có độ mở cao, với quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 toàn cầu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Bài viết nhận định, tên gọi Thăng Long xưa phản ánh đúng hình ảnh sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam hiện nay. Vị trí chiến lược của Việt Nam - nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gần các thị trường lớn ở châu Á, với khả năng tiếp cận các tuyến vận chuyển toàn cầu quan trọng khiến nơi đây trở thành trung tâm phân phối và hậu cần lý tưởng.

Không có gì ngạc nhiên khi EDC chọn Việt Nam để đặt văn phòng đại diện tiếp theo tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Văn phòng này dự kiến khai trương vào mùa Thu, với mục tiêu tăng gấp đôi giá trị thương mại Canada-Việt Nam trong năm năm tới.

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để thu hút đầu tư kinh doanh, trong đó có dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu đang vượt xa nhiều nước trong khu vực. Mặc dù mức lương tối thiểu đang tăng lên, nhưng chi phí lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn các quốc gia tương đương ở khu vực. Khi chuyển sang các hoạt động công nghiệp có giá trị cao hơn, Việt Nam trở thành một thị trường ngày càng được săn đón đối với các nhà sản xuất.

Ngoài ổn định về chính trị, Chính phủ Việt Nam còn cam kết cải cách và tự do hóa kinh tế. Môi trường đầu tư nước ngoài tiến bộ đang tạo ra các ưu đãi về thuế và mức giá trong một số lĩnh vực ưu tiên và khu vực địa lý nhất định.

Việt Nam đang đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng. Với cam kết đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cũng đang tìm cách tăng nhanh cơ cấu năng lượng tái tạo. Nhiều dự án trên toàn quốc đang được triển khai về năng lượng xanh, quản lý chất thải và phát triển đô thị một cách bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam có nền kinh tế kỹ thuật số lành mạnh dự kiến sẽ đạt khoảng 38 tỷ USD vào năm 2025.

Là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương - như với Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN-Việt Nam là một quốc gia luôn mở rộng cánh cửa cho hoạt động kinh doanh.

Việt Nam - Cơ hội đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ngày 22/5, tại Seoul đã diễn ra "Hội nghị kết nối đầu tư – kinh doanh Việt Nam" do Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc (MSS) chủ trì phối hợp với Ngân hàng Shinhan. Đây là hội nghị đầu tiên nằm trong chuỗi sự kiện "Hội nghị hỗ trợ phát triển toàn cầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ"của Hàn Quốc do MSS chủ trì phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan.

Việt Nam, nơi các doanh nghiệp Hàn Quốc có quan tâm lớn được chọn làm quốc gia đầu tiên thực hiện hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kết nối kinh doanh lần này. Bộ trưởng MSS, ông Oh Young-joo nhấn mạnh: "Đây là sự kiện đầu tiên mà khu vực công và tư nhân cùng chung tay cung cấp trợ giúp thiết thực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước xâm nhập thị trường nước ngoài". Bộ sẽ tiếp tục tổ chức định kỳ các hoạt động hỗ trợ mở rộng toàn cầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Bộ trưởng Oh, từng đảm nhiệm vai trò Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nêu rõ Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc, trong đó chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại diện cho Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Shim Jae-yoon cho rằng Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn và đáng để đầu tư. Hiện nhiều công ty của Hàn Quốc đang xâm nhập thị trường và tổng lãnh sự quán Hàn Quốc đang thực hiện nhiều hoạt động khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện hoạt động dịch vụ tư vấn pháp lý, các dự án hỗ trợ việc làm ở nước ngoài thông qua tư vấn; hỗ trợ kết nối toàn cầu K-startup. Ông Shim cho biết Hội đồng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được thành lập và đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.

Đại diện Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội, ông Kim Kyung-don cho biết kể từ khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài cách đây 37 năm, Việt Nam đang từng bước cải thiện hệ thống đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực đưa ra các ưu đãi để thu hút đầu tư vào các ngành có lợi thế.

Đây là lần đầu tiên sự kiện xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động ra nước ngoài đươc tổ chức theo hình thức phối hợp công tư.

Việt Nam dẫn đầu danh sách điểm đến của du khách Ấn Độ

Trang livemint.com đã có bài viết khẳng định thị trường du lịch Ấn Độ đang diễn ra sôi động, đặc biệt tỷ lệ người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài đã tăng đột biến thời gian gần đây, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến quốc tế được ưa chuộng.

Phóng viên TTXVN tại New Delhi cho biết, theo báo cáo "Xu hướng du lịch 2024: Phá vỡ ranh giới" từ Viện Kinh tế của Mastercard, du khách Ấn Độ đến Việt Nam đã tăng 248% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp đến là Mỹ và Nhật Bản với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 59% và 53%.

Những số liệu trên, được tổng hợp cho khoảng thời gian từ tháng 1-3/2024, cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong sở thích của du khách. Báo cáo cho biết thêm, những xu hướng mới nổi này hứa hẹn sẽ có lợi cho lĩnh vực du lịch vì Ấn Độ dự kiến có thêm gần 20 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu trong vòng 5 năm tới.

Ông David Mann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mastercard cho biết "đang chứng kiến nhiều chuyến đi quốc tế của du khách Ấn Độ hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Ấn Độ hiện là thị trường lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới và trong tương lai gần, đây có thể sẽ là một câu chuyện (tăng trưởng). Cầu về du lịch, trang sức và quần áo cao cấp sẽ vẫn rất mạnh mẽ khi thu nhập khả dụng ngày càng tăng và lối sống đầy khát vọng".

Bất chấp đồng USD mạnh hơn, phân khúc du lịch nước ngoài của Ấn Độ vẫn phát triển tốt nhờ cơ sở người tiêu dùng giàu có ngày càng mở rộng đang tìm kiếm những trải nghiệm xa xỉ. Theo báo cáo, mô hình chi tiêu ngày càng phát triển phản ánh thu nhập khả dụng và lối sống đầy khát vọng ngày càng tăng của quốc gia.

Một phân tích về dữ liệu lượng khách du lịch Ấn Độ tới các điểm đến phổ biến như Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam cho thấy rằng trong khi đồng USD mạnh có thể khiến du khách rời Mỹ, thì lượng khách đến từ Ấn Độ đã tăng 59% so với mức năm 2019. Cụ thể, Nhật Bản đã đón tiếp kỷ lục 50.000 du khách Ấn Độ kể từ đầu năm đến nay.

"Điều thú vị là trong khi Mỹ về tổng thể vẫn chưa cho thấy sự phục hồi hoàn toàn (lượng du lịch nội địa) của năm 2019, thì lượng du khách Ấn Độ (đến Mỹ) đã chứng kiến mức tăng hơn 50% so với năm 2019. Việt Nam, gần đây đã bổ sung các chuyến bay thẳng, đã chứng kiến lượng du khách Ấn Độ tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Điều này cũng củng cố sức mạnh của nhu cầu đi lại trong khu vực", ông Mann cho biết.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chop-co-hoi-kinh-doanh-tu-ngoi-sao-dang-len-cua-an-do-duong-thai-binh-duong-102240525161954713.htm