Chồng như người lạ trong nhà và 3 dấu hiệu về tình trạng 'báo động' trong hôn nhân

Luôn có những dấu hiệu cảnh báo sự rạn nứt trước khi hôn nhân thực sự tan vỡ.

Thuở mới về chung một nhà, vợ chồng tíu tít, hạnh phúc bao nhiêu thì càng về sau, hai người càng thờ ơ với nhau là sự thật chẳng còn lạ nữa. Thậm chí, đây là "thì hiện tại" của không ít cặp đôi: Ban ngày, mỗi người đi làm một chỗ; tối về cũng chẳng ai nói với ai lời nào. Vợ tất bật tắm rửa cho con, nấu cơm cho cả gia đình còn chồng thoải mái nằm vắt vẻo trên sofa xem tivi hoặc chơi điện tử,... cứ như thể con cái là của riêng người vợ và chỉ mỗi anh ta phải vất vả đi làm kiếm tiền.

Alfred Adler - Nhà tâm lý học nổi tiếng người Áo từng nói: "Hôn nhân chính là sự hợp tác". Chúng ta đều biết thường thì, phải yêu nhau, người ta mới lựa chọn tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, chỉ có mỗi tình yêu chẳng bao giờ là đủ để xây dựng và duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững.

Và dưới đây là 3 biểu hiện cảnh báo tình trạng thiếu sự hợp tác trong hôn nhân - Một trong những nguồn cơn mở đường cho sự rạn nứt, tan vỡ.

1. Không còn ham muốn gần gũi nhau

Dễ thấy và cũng dễ cảm nhận nhất chính là chuyện chăn gối ngày càng thưa thớt, nguội lạnh. Thậm chí, biến mất hẳn luôn, chăn ai người ấy đắp, mạnh ai người ấy ngủ. Khi người ta bắt đầu biết chán nhau trong tâm tưởng, việc gần gũi nhau vừa là áp lực, vừa là gánh nặng.

Ai cũng biết chuyện chăn gối có vai trò không nhỏ trong việc duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thế nên khi mối quan hệ bắt đầu rạn nứt, một trong hai người sẽ đáp lại khao khát rọa rực của đối phương bằng sự gắng gượng, dần dần là làm cho xong chuyện hoặc lắc đầu, từ chối thẳng thừng.

Lửa yêu như ngọn đèn leo lắt trước gió và rồi tắt hẳn luôn.

Tranh minh họa

2. Thường xuyên cãi vã vì những chuyện "chỉ như con kiến"

Thuở tình cảm còn mặn nồng, "anh""em" sẽ trở thành "chúng ta". Chúng ta có chung mục tiêu trong cuộc sống, là sinh con, mua nhà, phấn đấu để chúng ta của hôm nay tốt hơn chúng ta của hôm qua.

Bất đồng có thể xuất hiện, cãi vã cũng chẳng ít. Đó là điều hoàn toàn dễ thấy khi hai cá thể hoàn toàn khác biệt chung sống dưới một mái nhà. Chẳng phải tự nhiên mà người ta lại bảo thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn. Chỉ cần nhìn chung một hướng, phấn đấu chung một mục tiêu, khác biệt nào rồi cũng sẽ nhạt nhòa.

Nhưng khi chẳng còn thuận lòng nữa, một hạt cơm vãi, một giỏ đồ chưa phơi hay thậm chí một lần hắt hơi cũng có thể khiến vợ chồng to tiếng, cãi nhau ngày này qua tháng khác. Những điều nhỏ nhặt đến mức tầm thường dần trở thành mồi lửa thiêu rụi tất cả. Đó là lúc hai người không còn muốn phấn đấu cho bất kỳ mục tiêu chung nào nữa.

3. Không còn muốn trò chuyện, lắng nghe nhau

Đừng nghĩ rằng cứ phải cãi nhau to mới là tình trạng đáng lo. Chiến tranh lạnh thậm chí còn đáng sợ hơn nhiều. Chẳng còn những khoảnh khắc tâm sự, chồng kể vợ nghe chuyện công việc, vợ tỉ tê bày tỏ em muốn mua thứ này, thứ kia cho mình, cho con hoặc cho chúng ta.

Những câu chuyện vui đùa, thậm chí là nhảm nhí, cứ thưa thớt dần. Bạn nghĩ rằng những mẩu chuyện đó là vô nghĩa, không có cũng chẳng sao. Nhưng chẳng phải chúng ta chung sống với nhau, một phần vì muốn có người lắng nghe, tâm tình chuyện lớn chuyện nhỏ trong cuộc sống hay sao?

Tranh minh họa

Bão tố chẳng bao giờ đột nhiên ập đến, luôn là những đám mây đen và cơn gió mạnh xuất hiện trước tiên. Rạn nứt trong tình cảm nói chung hay trong hôn nhân nói riêng cũng vậy. Người ta chẳng bao giờ lôi nhau ra tòa vì hôm qua cãi nhau một trận đùng đoàng. Chữ ký đặt vào tờ giấy ly hôn, nhiều khi vì những sự thờ ơ, bất đồng và im lặng dồn nén từ nhiều ngày.

Bởi thế, giải pháp duy nhất khi sự thiếu hợp tác trong hôn nhân xuất hiện chính là lựa thời điểm phù hợp để cùng nhau ngồi xuống, trò chuyện nghiêm túc. Câu nói "Trước khi từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do khiến bạn bắt đầu" vừa khít với hoàn cảnh này.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chong-nhu-nguoi-la-trong-nha-va-3-dau-hieu-ve-tinh-trang-bao-dong-trong-hon-nhan-172230821083035701.htm