Chọn lọc đối tượng để tuyên truyền pháp luật

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa pháp luật đến với cuộc sống. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả, cần lựa chọn nội dung và hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp tới từng đối tượng.

Người dân muốn lắng nghe pháp luật

Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, từ nhiều năm nay, Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Đặc biệt, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20.6.2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; đã nhấn mạnh vai trò của lực lượng công an nhân dân, bộ đội biên phòng, các tổ chức đoàn thể tham gia vào công tác này, trong đó có giới luật sư.

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật với mô hình “Phiên tòa giả định” cho học sinh. Nguồn: ITN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật với mô hình “Phiên tòa giả định” cho học sinh. Nguồn: ITN

Với tổng số thành viên là 18.020; hơn 5.300 tổ chức hành nghề luật sư; Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi, biên giới vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế. Các hoạt động tuyên truyền thực hiện bao trùm trên nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, Hiến pháp, an ninh mạng… với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng hướng tới nhiều chủ thể khác nhau.

Riêng với Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong năm 2023, đã tổ chức được 35 buổi tuyên truyền pháp luật tại các trường THCS, THPT thuộc các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Thường Tín, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Sóc Sơn… Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã và đang tiến hành triển khai một số mô hình mới về phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý khá hiệu quả như Luật sư Thủ đô với đường vành đai 4; Học sinh Thủ đô với pháp luật; Luật sư Thủ đô với công tác hòa giải ở cơ sở; Luật sư đồng hành với nhóm người dễ bị tổn thương; Luật sư và Nhân dân Thủ đô với chuẩn tiếp cận pháp luật...

Chia sẻ về những thuận lợi trong công tác tuyên truyền, Luật sư Lê Văn Khánh, Trưởng Văn phòng Luật sư 118 Hà Nội (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, người dân hiện nay tiếp cận pháp luật rất nhanh chóng, với tinh thần muốn lắng nghe pháp luật; có những hội nghị tuyên truyền, người dân mong muốn tìm hiểu thêm nhiều vấn đề pháp luật và đề nghị báo cáo viên giải thích. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đã thực sự phát huy hiệu quả; người dân đã thấy được sự cần thiết, mong muốn biết thêm về quyền và nghĩa vụ của mình.

Sát đối tượng tuyên truyền

Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, để công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao, nội dung tuyên truyền phải trúng và sát đối tượng, đối tượng nào thì nội dung đó. Theo đó, với bà con ở vùng sâu, vùng xa, cần tập trung tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống buôn bán người. Đối với trẻ em, các trường học, tập trung vào nội dung sử dụng mạng xã hội lành mạnh; phòng, chống bạo lực học đường; sử dụng thuốc lá điện tử...

Đồng tình với quan điểm đó, Luật sư Lê Văn Khánh, Trưởng Văn phòng Luật sư 118 Hà Nội cho rằng, việc xác định đúng đối tượng và nhu cầu là điều đặc biệt quan trọng, chọn lọc được nội dung tuyên truyền phù hợp. Trên cơ sở đó, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Song song với việc lựa chọn nội dung tuyên truyền; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Theo các chuyên gia, tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các trang mạng xã hội hay tuyên truyền trực tiếp đến người dân đều rất quan trọng. Song, hình thức tuyên truyền trực tiếp mang lại hiệu quả thiết thực hơn cả; bởi, người dân không chỉ được tiếp cận quy định pháp luật, những tình huống giả định mà còn được các báo cáo viên giải thích rõ ràng nếu còn băn khoăn, thắc mắc.

Mới đây, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật trong các trường THCS, THPT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các em học sinh. Viêc xây dựng và tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật với mô hình "Phiên tòa giả định" là một trong những mô hình, sáng kiến hay, hiệu quả, thiết thực mà Đoàn Luật sư đã và đang triển khai trên địa bàn Hà Nội.

Sau khi kết thúc phiên tòa giả định, báo cáo viên tuyên truyền Luật An ninh mạng và phần hỏi đáp các tình tiết diễn biến của phiên tòa, giúp học sinh chú ý theo dõi và nắm sâu hơn về nội dung của phiên tòa; góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền.

Bạch Hạc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/chon-loc-doi-tuong-de-tuyen-truyen-phap-luat-i371646/