Chợ truyền thống Hà Nội - Bài cuối: Hài hòa với nhịp sống hiện đại

Chợ truyền thống đang tồn tại song song cùng hệ thống thương mại hiện đại. Một bên là 'bảo tàng' về văn hóa sinh hoạt thường ngày của người dân theo truyền thống cũ, một bên biểu đạt cho văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng hiện đại phù hợp với xu thế mới. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cần có những giải pháp để hài hòa hai loại hình trên, không vì xu thế thời đại mà coi nhẹ các yếu tố cũ và cũng không vì coi trọng truyền thống mà không tiếp nhận, cởi mở với cái mới. Sự hài hòa giữa truyền thống, hiện đại vừa có tính kế thừa, vừa có tính phát triển - một vấn đề quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Cộng hưởng cũ - mới

Bảo tồn nét truyền thống của chợ hài hòa trong hiện đại.

Trong sự vận hành của cuộc sống, chợ truyền thống và hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích tựa như hai mảng màu vừa đối lập, vừa tương hỗ nhau tạo sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Vì vậy, bảo tồn chợ truyền thống song hành với phát triển hệ thống thương mại hiện đại là sự cần thiết trong đời sống xã hội hiện nay.

Ở nhiều nước trên thế giới, mặc dù hệ thống thương mại hiện đại rất phát triển song các chợ truyền thống luôn được bảo tồn, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Ví như tại Hàn Quốc có chợ Namdeamun, chợ Gwangjang ở Seoul, chợ Bupyeong ở Incheon, chợ Gukje ở Busan... Trong đó, chợ Namdeamun tồn tại hơn 600 năm kể từ thời đại Joseon luôn tràn đầy sự sống và năng lượng, thu hút đông khách du lịch. Ở đây có những dãy hàng và ngõ hẻm bán phụ kiện, mắt kính, máy ảnh, bộ đồ ăn... Đặc biệt, chợ nổi tiếng với món mỳ nước, cá hố hầm và canh đuôi bò.

Với Hà Nội, bên cạnh việc phát triển hệ thống thương mại hiện đại mà thành phố đang tích cực triển khai, thành phố cần bảo tồn các chợ truyền thống mang tính tiêu biểu cho văn hóa Thủ đô. Giữ chợ truyền thống là giữ lấy bản sắc cho cộng đồng cư dân, giữ lấy nét riêng cho văn hóa Hà Nội. Thực tế, nhiều chợ truyền thống Hà Nội rơi vào cảnh đìu hiu, hoạt động đình trệ vì thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi. Bởi vậy, việc tạo luồng sinh khí mới cho các chợ truyền thống rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý. Đó không chỉ là tạo ra nơi trao đổi, mua bán hàng hóa cho người dân mà để giữ gìn một “di sản sống” và tạo ra các điểm đến du lịch cho du khách. Ngay cả các chợ đang hoạt động cùng với tổ hợp trung tâm thương mại đang hoạt động kém hiệu quả, thành phố cũng cần hỗ trợ giải pháp tăng sức hút cho chợ, để kéo người tiêu dùng trở lại.

Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý lý giải, chợ phục vụ đời sống xã hội nên khi xã hội thay đổi thì sinh hoạt của chợ cũng thay đổi theo. Chợ không thể đứng yên, không thể đóng băng trong quá khứ mà buộc phải thay đổi. Tuy nhiên, khi dịch chuyển để phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị thì việc giữ lấy chợ truyền thống để hài hòa với hiện đại cần phải tính đến. Bản thân bà Lê Thị Minh Lý cũng đi nhiều nước trên thế giới, từng đặt chân tới Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và thấy tại đó, người ta vẫn giữ được chợ truyền thống. Thậm chí có những chợ đã thay đổi hạ tầng nhưng ở đó người ta giữ được phong cách chợ truyền thống, từ không gian văn hóa chợ, cách trang trí, mặt hàng bán trong chợ.

Với hệ thống hạ tầng chợ ở Hà Nội đã bị xuống cấp nhưng trong quá trình cải tạo, xây mới cần giữ được hình dáng cũ, cách sắp xếp, bố trí các ngành hàng theo cách cũ để chợ không bị mất đi nét truyền thống. Có nghĩa cải tạo chợ mà vẫn giữ được hồn cốt cũ trong một hình hài mới, không phải xóa bỏ, phủ nhận cái cũ. Thực tế, giữ gìn truyền thống không thể bắt nó quay trở về quá khứ như nguyên gốc mà cần giữ lại nét đặc trưng riêng.

Quy hoạch phù hợp với đời sống hiện đại

Chợ được cải tạo thành trung tâm thương mại hiện đại nhưng vẫn giữ được chợ truyền thống ở dưới hầm.

Chợ truyền thống là một hình thái gắn liền với đời sống kinh tế - xã hội của Hà Nội. Để đảm bảo đời sống dân sinh và việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, công tác quy hoạch chợ truyền thống cũng như các loại hình thương mại nói chung luôn được thành phố quan tâm. Đó là sự cân bằng giữa các khu vực dân cư, hài hòa giữa các loại hình thương mại.

Bàn về quy hoạch mạng lưới chợ Hà Nội hiện nay, nhà xã hội học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng, quy hoạch phải xuất phát từ nhu cầu nội tại của mỗi khu vực và có sự chuyển tiếp từ ngoại thành vào trung tâm. Tuy vậy, trong công tác quy hoạch cần giữ lấy văn hóa chợ truyền thống. Dù không thể “chống đỡ” được sự chuyển đổi sang các loại hình thương mại hiện đại nhưng vẫn có thể bảo tồn được chợ truyền thống.

Hiện nay, hệ thống chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội có 453 chợ, trong đó đã phân hạng được 421 chợ; các chợ còn lại đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa hoặc phải hoàn thành hồ sơ cải tạo hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, thành phố đã chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác được 171 chợ, còn lại do các ban quản lý, tổ quản lý hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa bảo bảo đúng tiến độ đề ra.

Để triển khai mô hình Chợ văn minh, các quận, huyện đã đề xuất xây dựng, cải tạo 20 chợ nhưng trên thực tế việc cải tạo này vẫn còn chậm chưa đáp ứng được như mong muốn. Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các quận, huyện rà soát, xác định địa điểm dự kiến bố trí chức năng khu tổ hợp Outlet, làm căn cứ để xem xét hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư tại khu vực 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Chợ truyền thống đã tồn tại và trở thành một nếp sống, một nét văn hóa đặc trưng của người dân. Chợ truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, do vậy việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống đương đại và cảnh quan đô thị là rất cần thiết. Chính vì thế, chúng ta cần gìn giữ nét văn hóa này đồng thời kết hợp yếu tố hiện đại để phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, muốn làm được điều này, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu đãi và chiến lược cụ thể để thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước xây dựng, cải tạo và phát triển các dự án chợ dân sinh lên một tầm cao mới, giữ vững vai trò, vị trí của chợ đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt Nam.

Một điều không thể phủ nhận, chợ truyền thống Hà Nội được coi là nét đặc trưng trong văn hóa thương mại của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, hình thành, phát triển song hành cùng dòng chảy các giai đoạn lịch sử. Chợ giống như nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Dù thành phố ưu tiên phát triển hệ thống thương mại hiện đại thì việc lưu giữ các giá trị của chợ truyền thống vẫn rất cần thiết. Nhìn vào đó, người ta sẽ thêm hiểu, thêm yêu quá khứ, trân trọng giá trị hiện tại và việc gìn giữ cũng tạo sự bền vững trong phát triển đô thị, kinh tế - xã hội thành phố.

Đinh Thuận - Minh Ngọc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/cho-truyen-thong-ha-noi-bai-cuoi-hai-hoa-voi-nhip-song-hien-dai-20230726081442807.htm