Chính thức thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm
Thanh tra việc quản lý dạy thêm học thêm, thực hiện quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên Công an nhân dân... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 10-2.
Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục có hiệu lực từ 10-2.
Theo đó, quy định nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm:
Ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; Thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em.
Thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng;
Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm; Thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.
Như vậy, từ hôm nay, 10-2 sẽ chính thức thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm.
Thông tư 15/2024/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp.
Theo đó, quy định tiêu chuẩn chức danh công chứng viên làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp như sau:
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp công chứng viên: Có bằng cử nhân luật; Đã được bổ nhiệm công chứng viên.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp công chứng viên: Có năng lực thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của công chứng viên theo quy định của pháp luật;
Có năng lực hướng dẫn, giải đáp các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng; Có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ công chứng…
Nghị định 164/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân, trong đó, quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên bao gồm:
Phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra, như: Được xếp loại cán bộ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liên kề trước năm bổ nhiệm; không trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc xem xét xử lý kỷ luật;
Am hiểu pháp luật và công tác nghiệp vụ của ngành Công an; có kiến thức quản lý Nhà nước; biết sử dụng tin học, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác; Có bằng tốt nghiệp đại học Công an trở lên hoặc đại học ngành khác trở lên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ Công an.
Về tiêu chuẩn cụ thể: Có bằng tốt nghiệp sơ cấp lý luận chính trị, chính trị - hành chính trở lên hoặc có giấy xác nhận trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên.
Thông tư 16/2024/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với các chức danh nghề nghiệp hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp.
Theo đó, viên chức được dự xét thăng hạng chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II khi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2024/TT-BTP và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
Đang giữ chức danh hỗ trợ pháp lý hạng III; Đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II theo quy định; Đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II đối với từng chức danh cụ thể; Có thời gian giữ chức danh hỗ trợ pháp lý hạng III hoặc tương đương từ đủ 9 năm cộng dồn (108 tháng) trở lên…