Chính sách tài chính tạo 'đòn bẩy' thúc đẩy tổng cầu

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và trong nước, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam tích cực hơn so với năm 2023. Đạt được kết quả trên là nhờ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp, người dân, tạo 'đòn bẩy' thúc đẩy tổng cầu, để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Giải pháp ưu đãi về thuế đã ngấm vào doanh nghiệp

Thời gian qua, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, phát huy vai trò của chính sách tài chính, Chính phủ, Quốc hội đã chủ động, linh hoạt điều chỉnh để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tổng cầu nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nuôi dưỡng động lực tăng trưởng mới

Để thúc đẩy tổng cầu, cần duy trì chính sách trọng cung và nuôi dưỡng những động lực tăng trưởng mới từ phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ. Giải pháp cần thực hiện ngay là xác định khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi; hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực; giảm thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế tư nhân. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế

Năm 2024, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí ước thực hiện trong năm 2023 khoảng 191,5 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 76,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 114,9 nghìn tỷ đồng).

Năm 2024, dự kiến quy mô các gói chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 189,6 nghìn tỷ đồng (trong đó: giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 94,9 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng). Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 10 khoảng 149,1 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 78,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 70,8 nghìn tỷ đồng).

Cùng với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng chính sách thu, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mở rộng kê khai, nộp thuế điện tử, triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, nhằm tăng thu về cho ngân sách.

Trong đó, Bộ Tài chính tập trung vào các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách, nhất là ở các địa bàn trọng điểm thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế, gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế.

Nhờ đó, tổng thu ngân sách nhà nước cả năm 2023 đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, vượt 8,2% dự toán. Tính đến hết tháng 10/2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.408,5 nghìn tỷ đồng, đạt 94,8% dự toán, bao gồm: thu từ dầu thô ước đạt 48,9 nghìn tỷ đồng, bằng 106,2% dự toán; thu nội địa ước đạt 1.359,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% dự toán.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng đã tạo ra cơ hội giảm mặt bằng giá cả của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát cũng như giảm tải chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Giảm thuế làm giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và trong nước, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam tích cực hơn so với năm 2023. Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định năm 2024, kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Các yếu tố thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước thời gian tới có thể đến từ triển vọng tích cực của kinh tế toàn cầu và xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các nước; hiệu quả triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy giải ngân đầu tư công và gói tín dụng nhà ở xã hội…

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Để thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để giảm chi phí, thúc đẩy tổng cầu, thu hút đầu tư. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các luật về thuế mới được sửa đổi, bổ sung; các luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực ngân sách, đầu tư, quản lý vốn, quản lý tài sản công để giải quyết các vướng mắc có tính cấp bách, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với nguồn lực và khả năng thực hiện của dự án; áp dụng quy tắc hậu kiểm đối với kế hoạch đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm tính tuân thủ các quy định và hiệu quả đầu tư công.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh thực hiện quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính - ngân sách gắn với hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương...

Tham vấn sáng kiến thúc đẩy tổng cầu

Mặc dù, các chính sách tài chính trong thời gian qua đã được điều chỉnh linh hoạt nhằm hỗ trợ, thúc đẩy tổng cầu, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra là thách thức trong thời gian tới.

Theo đó, về tiêu dùng, áp lực lạm phát vẫn là một trong những rủi ro lớn cho tiêu dùng Việt Nam; những biến động kinh tế - chính trị toàn cầu, sự bất ổn chính trị tại một số nước, khu vực làm gia tăng nhu cầu tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng; thu nhập tổng thể người dân vẫn còn thấp. Đây là những thách thức cần hóa giải trong thời gian tới. Theo các chuyên gia kinh tế, suy giảm tổng cầu kéo dài có thể dẫn đến hạn chế tăng tổng cung và tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, những ưu đãi hỗ trợ về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa không thể kéo dài, dư địa kích thích tăng trưởng không còn lớn.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Tài chính nói riêng đang ở thời điểm quan trọng, cần quyết tâm cao, cố gắng lớn, tiếplinh hoạt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

Để tạo ra không gian khoa học cho những sáng kiến về các vấn đề kinh tế - tài chính đang được quan tâm, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế” để lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước, thảo luận, đề xuất sáng kiến.

Diễn đàn được tổ chức ngày 29/11 tại Quảng Ninh, gồm phiên toàn thể và 2 phiên tham luận: Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu và Chính sách tài chính tạo động lực phát triển doanh nghiệp./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-tai-chinh-tao-don-bay-thuc-day-tong-cau-165088-165088.html