Chính sách 10 ngày nghỉ phép khi 'không vui' gây tranh cãi

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, nhiều người cho rằng chính sách 10 ngày nghỉ phép khi 'không vui' không phải cách giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần của người lao động.

 10 ngày nghỉ phép theo cảm xúc có thể chỉ là cách cho phép nhân viên né tránh những thách thức trong công việc, cuộc sống. Ảnh minh họa: Shutterstock.

10 ngày nghỉ phép theo cảm xúc có thể chỉ là cách cho phép nhân viên né tránh những thách thức trong công việc, cuộc sống. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Chuỗi siêu thị Trung Quốc Pang Dong Lai gây chú ý với chính sách "nghỉ phép khi không vui". Cụ thể, nhân viên có 10 ngày phép, sử dụng bất cứ khi nào họ cảm thấy tinh thần không tốt. Chính sách này được công bố trong Tuần lễ Siêu thị Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua.

"Mọi người đều có lúc không vui. Đừng đi làm khi bạn thấy như vậy. Loại nghỉ phép này không cần quản lý duyệt, bởi từ chối là vi phạm quy định", Yu Dong Lai, chủ tịch chuỗi siêu thị, tuyên bố, theo Straits Times.

Tuy nhiên, chính sách này đang gây ra những tranh cãi. Bên cạnh ý kiến ủng hộ cho rằng chính sách giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của nhân viên, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả và khả năng thực thi của hình thức nghỉ phép này, New York Post đưa tin.

 Nếu nhân viên đang phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe tâm thần việc nghỉ phép một hoặc hai ngày không phải cách tốt để giải quyết. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Nếu nhân viên đang phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe tâm thần việc nghỉ phép một hoặc hai ngày không phải cách tốt để giải quyết. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Một trong số đó là giáo sư Art Markman. Phó Giám đốc Điều hành về Các vấn đề Học thuật tại Đại học Texas (Mỹ) cho rằng "nghỉ phép khi không vui" chưa chắc là giải pháp hữu ích với nhân viên, theo Fast Company.

"Nghỉ ngơi ngắn hạn đôi khi có thể hữu ích. Nếu bạn đang đảm nhận công việc căng thẳng, việc dành thời gian vào các hoạt động thư giãn sẽ giúp bạn hồi phục," giáo sư chia sẻ.

Tuy nhiên, nghỉ phép ngay giữa một dự án quan trọng có thể gây hại nhiều hơn lợi.

"Các nghiên cứu cách đây gần 100 năm đã chỉ ra rằng con người vẫn tiếp tục suy nghĩ về những nhiệm vụ đang làm. Vì vậy, sẽ rất khó để nghỉ ngơi nếu bạn chưa hoàn thành công việc đang thực hiện", ông trích dẫn hiệu ứng Ovsiankina, hiện tượng tâm lý nói về sự thôi thúc con người tiếp tục và hoàn thành những nhiệm vụ còn dang dở.

Giáo sư Markman cũng lưu ý rằng đôi khi mệt mỏi có thể là dấu hiệu của tình trạng kiệt sức, như cảm thấy không thể đến công ty làm việc, hay bắt đầu cảm thấy các dấu hiệu của trầm cảm và lo lắng nhắm cụ thể vào công việc. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần được nghỉ ngơi khi bị môi trường làm việc đối xử không tốt và ảnh hưởng xấu về mặt cảm xúc.

 Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tận gốc những lý do khiến nhân viên cảm thấy không vui. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tận gốc những lý do khiến nhân viên cảm thấy không vui. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Tuy nhiên, nếu môi trường làm việc độc hại là thủ phạm gây ra sự kiệt sức, "nghỉ phép khi không vui" có thể không mang lại nhiều tác dụng.

"Một nơi làm việc có kỳ vọng không thực tế với nhân viên, quản lý độc đoán hoặc văn hóa làm độc hại không thể mong đợi vài ngày nghỉ phép sẽ giải quyết được những vấn đề nghiêm trọng này", giáo sư nói.

Ông nhấn mạnh đội ngũ quản lý cần cam kết tạo ra một nơi làm việc yêu cầu cao, song song với đó là sự tôn trọng dành cho nhân viên.

"Khi có một dự án lớn cần hoàn thành, nhân viên có thể dành ra hơn 50 giờ/tuần để hoàn thành công việc. Nhưng nhiều tuần làm việc như vậy sẽ dẫn đến kiệt sức", giáo sư nói thêm.

Ông kết luận rằng lượng công việc lý tưởng cho phần lớn "dao động mức 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần".

 Nghỉ ngơi đúng lúc và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia là điều cần thiết để nhân viên có thể phục hồi và quay trở lại làm việc hiệu quả. Ảnh minh họa: Anthonyshkraba ProductionPexels.

Nghỉ ngơi đúng lúc và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia là điều cần thiết để nhân viên có thể phục hồi và quay trở lại làm việc hiệu quả. Ảnh minh họa: Anthonyshkraba ProductionPexels.

Với những người đang mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu kéo dài, giáo sư khuyến cáo đặt lịch hẹn với chuyên gia sức khỏe tâm thần thay vì nghỉ phép một vài ngày.

"Sức khỏe tâm thần cũng là sức khỏe. Ví như việc bạn sẽ không đi spa một ngày để chữa trị mắt cá chân bị gãy", Markman giải thích.

Bên cạnh các vấn đề về sức khỏe tâm thần, những biến cố căng thẳng trong cuộc sống như có người thân bị ốm, trục trặc trong mối quan hệ tình cảm và nợ nần cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần.

Giáo sư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tận gốc những lý do dẫn đến tình trạng "không vui". Chẳng hạn, với những nhân viên ở Mỹ có thể tìm đến Chương trình Hỗ trợ Người lao động (Employee Assistance Program - EAP) để nhận trợ giúp và tư vấn về cách giải quyết những sự kiện trong cuộc sống.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chinh-sach-10-ngay-nghi-phep-khi-khong-vui-gay-tranh-cai-post1477305.html