Chim cánh cụt trống nhịn ăn trong 65 ngày đứng yên ấp trứng
Kể từ khi bắt đầu mùa giao phối, chim trống thường sẽ không ăn uống gì trong 120 ngày. Sau khi trứng nở, nó lại dành thêm 10 ngày nữa để chăm con mọn.
Trong tất cả loài chim cánh cụt, thì chim cánh cụt Hoàng Đế nổi tiếng với cách nuôi con tàn khốc hơn cả. Loài này có hơn 70% thời gian cuộc đời sống dưới nước, nhưng mỗi năm đến tầm tháng 3, tháng 4, chúng sẽ leo lên bờ và đi sâu đất liền, tìm một nơi rất an toàn nhưng chẳng có lấy một mẩu thức ăn nào.
Tại đó, chúng sẽ gạ gẫm và giao phối với nhau, để rồi tình yêu kết tinh thành một quả trứng duy nhất nặng 450 gram.
Đa số chim cánh cụt một khi đã chọn “người yêu” xong là sẽ chung thủy đến cuối đời, nên chúng rất cẩn trọng khi tìm bạn tình.
Tùy loài mà cách tỏ tình của chúng khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là “hành động gọi bạn tình” với đặc trưng là một chàng cánh cụt sẽ vươn dài hết cỡ hai mẩu cánh ngắn ngủi rồi rướn cổ lên trời rít một âm thanh chói tai. Các con mái nhìn thấy màn trình diễn này sẽ tiến đến và chọn anh mình thích.
Riêng chim cánh cụt Hoàng Đế thì không làm thế, thay vào đó, chúng nhảy múa với nhau. Cũng có trường hợp chim trống chọn một viên đá thật đẹp tặng cho chim mái làm quà cầu hôn, nếu như chim mái chịu chạm vào viên đá thì xem như thành đôi.
Sau khi đẻ trứng, chim mái sẽ rời chồng con đi tìm mồi, còn chim trống thì đặt trứng lên chân và áp trứng vào một túi da dày dưới bụng còn được gọi là “túi ấp trứng” để giữ ấm cho trứng. Trong quá trình ấp trứng, chim cánh cụt sẽ đứng suốt không nghỉ.
Chim cánh cụt sống nơi băng giá, vì vậy chúng luôn hoạt động theo bầy đàn, ngay cả hoạt động ấp trứng của chúng cũng được diễn ra tập thể để không bị chết cóng.
Chim trống sẽ đứng yên ấp trứng suốt 65 ngày dưới cái lạnh âm 60 độ C ở Nam Cực và không hề ăn uống gì. Thường sau khi trứng nở thì chim trống cũng sụt 40% trọng lượng cơ thể.
Nếu tính luôn khoảng thời gian từ khi bắt đầu mùa giao phối thì chim trống thường sẽ không ăn uống gì trong 120 ngày và sau khi trứng nở, nó lại dành thêm 10 ngày nữa để chăm con mọn.
Chim bố sẽ cho chim non “bú” chất dinh dưỡng gọi là “sữa chim cánh cụt”, trong sữa rất giàu thành phần béo và đạm, vì vậy chim non chỉ cần uống sữa này cũng đủ lớn hơn gấp đôi so với lúc mới nở.
Khi chim non bắt đầu biết uống sữa thì chim mẹ đã trở về sau một thời gian “đi kiếm ăn xa”. Chim mẹ tích trữ mồi trong dạ dày, về đến nhà chúng nó sẽ “ói” mồi ra để mớm cho chim non. Sau đó chim bố và chim mẹ sẽ thay phiên nhau đi kiếm mồi về nuôi con.
Hình ảnh hai vợ chồng chim cánh cụt thay phiên nhau chăm con thật cảm động, nhưng cũng có mặt trái khá đáng sợ của nó. Đó là trong quá trình nuôi con, nếu lỡ chim non chết yểu thì chim mẹ sẽ đi cướp con của chim mẹ khác về nhà mình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào quá trình “nuôi con người ta” cũng thuận lợi, vì có nhiều chim mẹ sau khi cướp con người ta về thì lại bỏ mặc sau vài ngày chán chê.
Trong thế giới chim cánh cụt còn có trường hợp hai ông bố cùng nuôi một chim non. Chẳng hạn một sở thú ở Đan Mạch có nuôi một đôi chim cánh cụt đồng tính nam, họ thử giao cho chúng một quả trứng thì thấy cặp đôi này đã ấp nở thành công và nuôi “đứa nhỏ” rất ngon lành.
Trường hợp này cũng không phải là hiếm ở các loài chim cánh cụt đang sống rải rác trên toàn thế giới. Từ đây cho thấy được tình yêu trong thế giới cánh cụt có rất nhiều hình thái khác nhau và đáng để con người học hỏi.